TS Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tín ngưỡng nếu đúng mức độ thì trở thành văn hóa. Nhưng nếu quá lên trở thành mê tín, mê muội.
TS Nguyễn Viết Chức
Cùng với hình ảnh về các lễ hội, trong những ngày đầu năm mới, nhiều người dân đi lễ “dâng sao giải hạn”. Ông bình luận thế nào về việc này?
Nhìn chung, lễ hội năm nay diễn ra lành mạnh, trật tự, có nhiều nét văn hóa đẹp. Những hình ảnh như chặt chém, cướp lộc, cướp hoa, cài tiền “hối lộ”, mua chuộc thánh thần ở các lễ hội, chùa chiền đã giảm đi đáng kể. Điều này cho thấy, những người tham gia lễ hội đã có ý thức và nhận thức đúng đắn hơn.
Tuy nhiên, ở một số nơi, một số vùng vẫn còn một bộ phận người dân mê tín ở mức thái quá. Đơn cử như việc “dâng sao giải hạn”, đó là tập quán, tín ngưỡng được một số gia đình thực hiện một cách bình thường. Nhiều người đến chùa để cầu bình yên, cầu sức khỏe. Nhưng bây giờ, việc đó đã bị biến tướng, nhiều người không chỉ cầu bình an, sức khỏe mà còn xin xỏ thánh thần. Xin - cho là bệnh của dương thế, trần tục nay đã bị đưa vào cõi tâm linh. Đây là hiện tượng không tốt, quá mê muội.
Ông lý giải sao khi có nơi, do khuôn viên nhà chùa chật chội, người dân phải ngồi la liệt, tràn ra lòng đường, chắp tay vái vọng từ xa trong lễ "dâng sao giải hạn”?
Cái gì quá cũng không tốt. Tín ngưỡng nếu đúng mức độ thì trở thành văn hóa tín ngưỡng. Nhưng nếu quá lên trở thành mê tín, mê muội, không tốt. Nếu như có thánh thần thì cũng không có thánh thần nào lại phù hộ cho những người mê muội. Thánh thần là thông tuệ làm sao lại đi phù hộ cho những người mê muội. Trong đạo Phật thường nói giác ngộ thì phải ngộ những điều tốt đẹp, chứ không phải ngộ những điều không tốt đẹp rồi làm dối trá.
Việc “dâng sao giải hạn” như hiện nay là do nhiều người học đòi, bắt chước nhau. Thấy người khác đi dâng sao giải hạn mà mình không đi thì không an tâm. Vậy là bắt chước nhau để cùng đi. Người đông mà khuôn viên của nhà chùa lại nhỏ thành thử ngồi tràn ra khắp đường bái vọng từ xa.
Vậy có cách nào để mọi người hiểu đúng về “dâng sao giải hạn” và nếu có thực hiện thì cũng không tạo ra những hình ảnh phản cảm?
Đâu phải ai cũng làm lễ “dâng sao giải hạn”. Nhiều người không làm lễ “dâng sao giải hạn” mà có bị sao đâu? Điều quan trọng nhất là mỗi người phải sống có đạo đức, có nhân tâm thì những điều tốt đẹp chắc chắn sẽ đến. Thứ hai, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuyên truyền để mọi người hiểu đúng về văn hóa, tín ngưỡng. Chứ chỉ chăm chăm đi xin - xỏ thánh thần mà không chịu tu tập, không chịu làm những điều tốt đẹp thì làm sao có được bình an.
Xin cảm ơn ông!
Theo Văn Kiên/Tiền phong (Thực hiện)