800 ca bạo lực, 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, trên 70% số vụ phạm pháp hình sự một năm ở Việt Nam chỉ vì "chén chú chén anh, không say không về".
Ảnh minh họa.
Chia ly phút giây đoàn tụ... vì rượu
Cận Tết Nguyên đán, nhiều người "mắc kẹt' trong các cuộc nhậu nhẹt. Nhưng rượu vui một khắc mà có khi một đời tàn. Từng chứng kiến không biết bao cuộc chia ly chỉ vì "chén chú chén anh, không say không về", bác sĩ Trần Quốc Khánh - Khoa Phẫu thuật cột sống, BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) có bức "tâm thư" ngày cuối năm khiến nhiều người không khỏi giật mình:
"1h sáng đêm mùng 2 Tết, phòng đón tiếp cấp cứu bệnh viện vẫn la liệt bệnh nhân trên cáng. Điều dễ dàng nhận ra nhất, đó là hầu hết bệnh nhân lúc này đều rất trẻ và chủ yếu bị tai nạn giao thông hoặc đâm chém nhau. Nhiều bệnh nhân còn nồng nặc mùi rượu.
Nhìn qua một lượt, tổn thương chủ yếu trong đêm nay vẫn không khác gì những đêm ngày tết khác: Chấn thương sọ não, vỡ hàm mặt, gãy tay chân và gãy cột sống là đa số.
Ở góc xa buồng bệnh, cậu thanh niên gần như biến dạng hết mặt mũi đang được nhân viên bóp bóng thở, người mẹ già bơ phờ đứng bóp chân cho con, đôi mắt bà đẫm nước mắt. Anh trai và bố bệnh nhân tất tả chạy ra chạy vào lo cho con trai, liên tục lại gặp bác sĩ hỏi tình trạng bệnh.
BS Trần Quốc Khánh chia sẻ câu chuyện nghề để cảnh báo người dân. Ảnh: NVCC.
Bệnh nhân đi làm xa về họp mặt bạn bè ngày Tết. Sau tiệc rượu, chạy xe máy trên đường về bị tai nạn với ôtô đi ngược chiều. Hai người trên xe máy đều bị nặng, chuyển thẳng xuống Việt Đức.
Trường hợp này bị quá nặng, lúc vào viện, đồng tử hai bên đã giãn, không còn phản xạ ánh sáng, điểm tri giác về thấp nhất, không còn tự thở.
Với tổn thương và lâm sàng như vậy, các bác sĩ giải thích cho gia đình và tiên lượng cháu khó qua được. Bố mẹ bệnh nhân òa khóc nức nở. Ngày Tết đoàn viên, đoàn tụ lại hóa chia ly.
Rồi đây, ai có thể xoa dịu được nỗi đau này trong lòng cha mẹ? Ai mang đến cho gia đình niềm vui vào mỗi ngày mồng 2 tết những năm tiếp theo? Hay mãi mãi ngày đầu năm mới là ngày buồn nhất".
Bác sĩ Khánh cảnh báo: "Bác sĩ đã chứng kiến rất nhiều những phút biệt ly ngày Tết như vậy. Đặc biệt hình ảnh người mẹ già ngồi khóc bên con trai, lòng người như vỡ vụn, buồn thê lương tê tái...
Nguyên nhân chính vẫn là do rượu. Hãy suy nghĩ một chút thôi, ít nhất là về cha mẹ, vợ con mình khi nâng chén rượu lên. Hãy nghĩ một chút thôi khi muốn chúc ai đó. Hãy nghĩ một chút thôi khi men say đã đến để không cầm vô lăng…".
Giật mình hệ lụy rượu bia
"Tâm thư" của bác sĩ Khánh cũng góp một tiếng nói chung vào mong muốn mà Bộ Y tế "khản tiếng" cảnh báo bao năm qua. Theo các chuyên gia, sử dụng rượu bia làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn do làm giảm khả năng phản ứng của cơ thể, hạn chế khả năng phối hợp động tác, giảm thị lực, hạn chế tầm nhìn, gây buồn ngủ.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2015, 800 ca bạo lực, 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, trên 70% số vụ phạm pháp hình sự một năm ở Việt Nam có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu bia nằm trong nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi.
Nghiên cứu cho thấy người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dl có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 40 lần so với người không sử dụng rượu bia.
Rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam trong độ tuổi 15 - 49.
Phân tích số liệu điều tra quốc gia của 1.061 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam cho thấy 1/5 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông có nguyên nhân là sử dụng chất cồn. Đáng nói, đa số các vụ tai nạn liên quan đến rượu bia đều nghiêm trọng và 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau khi tai nạn xảy ra.
Theo Thảo Anh/Lao động