Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT phải có biện pháp quản lý, bảo dưỡng tuyến đường để không có hiện tượng vỡ, ổ gà, sình lún… trong dịp Tết Nguyên đán nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Nhà thầu tiến hành công tác thảm mặt đường, bảo trì đường bộ bị hư hỏng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đây là nội dung vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra, yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư dự án giao thông tăng cường quản lý chất lượng bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ, đường cao tốc theo hình thức hợp đồng BOT, đường cao tốc do doanh nghiệp quản lý, bảo trì.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, các nhà đầu tư BOT đã lựa chọn nhà thầu có ý thức trách nhiệm, có năng lực và kinh nghiệm, tích cực đầu tư máy móc thiết bị, tuyển dụng nhân lực có tay nghề và ứng dụng các phần mềm để thực hiện các hợp đồng quản lý, bảo dưỡng; công tác nghiệm thu cơ bản được các đơn vị thực hiện theo quy định.
[Bộ trưởng Giao thông: “Nếu không sửa đường hỏng, chúng ta ra tòa hết”]
Tuy nhiên, qua công tác thanh kiểm tra, vẫn còn các tuyến đường do doanh nghiệp quản lý bảo trì có chất lượng bảo dưỡng chưa đạt yêu cầu; chưa làm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.
“Một số nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, còn dễ dãi trong việc nghiệm thu đánh giá chất lượng thực hiện, cá biệt có đơn vị hoặc tuyến đường còn hiện tượng buông lỏng quản lý, bảo dưỡng dẫn đến chất lượng mặt đường xấu, nhiều nơi xuất hiện mặt đường vỡ, ổ gà, sình lún… nhưng không được sửa chữa, mặc dù trong giá và yêu cầu kỹ thuật đã quy định tại hợp đồng,” ông Huyện đánh giá.
Bên cạnh việc chưa quyết liệt của địa phương trong việc cưỡng chế vi phạm, theo ông Huyện, các cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện hết trách nhiệm trong công tác này. Ngoài ra, các nhà thầu thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng đường bộ chưa tổ chức lực lượng tuần đường đầy đủ, làm ngơ trước các vi phạm, chậm phát hiện để báo cáo cơ quan quản lý đường bộ xử lý đối với các vi phạm; chưa quyết liệt ngăn chặn các vi phạm đất và hành lang đường bộ.
Để khắc phục các tồn tại trên đối với tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc theo hình thức hợp đồng BOT, Tổng cục Đường bộ yêu cầu doanh nghiệp quản lý đường chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Nhà thầu hoặc đơn vị được doanh nghiệp quản lý đường giao thực hiện quản lý, bảo dưỡng chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm liên quan nếu thực hiện không đúng, không đầy đủ dẫn đến tai nạn giao thông ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông.
Các đơn vị liên quan có giải pháp để phát hiện kịp thời các vi phạm; kiên quyết xử lý ngay các vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; không để vi phạm kéo dài nhưng không xử lý dẫn đến hiện tượng coi thường pháp luật, dây dưa không khắc phục...
[Dừng thu phí các tuyến đường khai thác bị hỏng, chậm sửa chữa]
Các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý nhà thầu hoặc đơn vị được giao để vi phạm chất lượng bảo dưỡng thường xuyên.
Ngoài ra, Tổng cục cũng yêu cầu nhà đầu tư, đơn vị thi công tổng rà soát các tuyến đường để xác định các tồn tại về chất lượng bảo dưỡng, nhất là chất lượng mặt đường, công việc có liên quan đến thoát nước, công việc phát cây, cắt xén cỏ, công tác vệ sinh mặt đường, sơn biển báo hiệu đường bộ... xong trước ngày 25/1 (tức ngày 20 tháng 12 tháng Chạp năm Mậu Tuất)./.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)