Với tổng chi ngân sách xấp xỉ 2 tỷ USD mỗi năm, Hà Nội vẫn chưa giải quyết được bài toán nước sạch.
Năm 2006, khu liên hiệp thể dục thể thao tám nghìn chỗ ngồi, nhà thi đấu đa năng, sân quần vợt, bể bơi được khởi công xây dựng tại Đan Phượng. Ngày gắn biển công trình, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện "tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại".
Hai năm sau, Đan Phượng khởi công nhà hát 117 tỷ đồng. Trên diện tích đất hơn mười nghìn mét vuông, nhà hát ba tầng có sức chứa 700 người và 20 phòng chức năng.
Tổ hợp nhà thi đấu giờ mỗi năm tổ chức vài trận bóng giao hữu giữa các đoàn thể địa phương. Phòng chức năng chuyển thành nơi làm việc của lực lượng Cảnh sát giao thông và Phòng cháy chữa cháy. Nhà hát thì trở thành nơi thi thoảng cho thiếu nhi thị trấn Phùng tập hát.
Bản đồ Đan Phượng với hai vùng có nước sạch (màu xanh) và không nước sạch (màu vàng)
Một nghịch lý được hình ảnh hóa trên bản đồ huyện Đan Phượng. Năm xã, thị trấn có nước nước sạch được VnExpress biểu thị bằng màu xanh lam, là vùng bao quanh hai công trình văn hóa - thể thao trăm tỷ hiện chưa phục vụ ai. Còn 11 xã không nước sạch được tô màu vàng, là nơi có một nhà máy nước sạch trọng điểm đang "nằm trên giấy".
Trong một thập kỷ qua, những huyện nông thôn của Hà Nội như Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm hay Chương Mỹ có thêm nhiều khu đô thị, nhiều trung tâm mua sắm, nhà hát và sân vận động. Nhưng những công trình cấp nước sạch dân sinh, vẫn là những lời hứa.
Hà Nội còn 2,7 triệu dân nông thôn sống trong những "khoảng vàng" như thế. Thành phố đặt mục tiêu 100% người dân có nước sạch năm 2020, và rất nhiều người dân muốn tin vào mục tiêu đó.
* Chương I: Kiếp người xin nước
Hạnh về thăm quê chồng một lần trước đám cưới. Trong một ngày rưỡi ấy, chị kịp ghi nhớ về một vùng quê Chương Mỹ xanh đồng, đỏ sông thanh bình như truyện.
Tháng 4 năm 2012, ngày cưới, nhà chồng bày tiệc cưới ở nhà văn hóa xã. Hạnh nghĩ đơn giản, vì nó là nơi rộng rãi. Tối ấy, chỉ khi chồng dặn "em sắp đồ, anh đưa đi tắm nhờ", Hạnh mới ngớ ra. Nhà chồng Hạnh không có nước. Cả thôn An Vọng khô hạn. Chỉ những hộ một hai người mới tạm đủ nước dùng. Trong làng nườm nượp người đi đổi nước bình ăn qua ngày. Nhà văn hóa xã nằm trên khu đất ít cằn, giếng vẫn khoan lên nước. Việc nấu nướng, rửa trăm mâm bát cỗ cưới trông cả vào đấy.
Dân Chương Mỹ thiếu nước cả mùa khô lẫn mùa ngập.
Cô gái Nam Định không nuôi kỳ vọng về phố xá phù hoa khi lấy chồng ngoại thành. Song chị cũng không thể tưởng tượng được cảnh sống này giữa đất thủ đô. Huyện nông thôn Xuân Trường quê Hạnh có nước máy đã năm năm.
Sau cái tuần gian truân ấy, vợ chồng Hạnh về Quảng Ninh, nơi công tác của hai người. Ở đó, Hạnh thở phào, và có thể rửa rau và lau nhà khi muốn.
Mỗi lần "về Hà Nội" thăm nhà, vợ chồng Hạnh đều báo trước dăm ba ngày để bố mẹ đi "chạy nước".
Tháng 6 năm 2016, Hạnh cùng hai con về lại Chương Mỹ để tiện chăm sóc bố mẹ già. Cuộc khủng hoảng nước trong đời Hạnh chính thức bắt đầu.
Về nhà chỉ vài ngày, hai bé Hà, Sơn bắt đầu bị mẩn ngứa khắp người. Hạnh cùng bố mẹ đưa con đi khám hết trạm xá đến viện tư, uống nhiều thứ thuốc tây. Chồng Hạnh ở Quảng Ninh, lặn lội vào tận bản của người dân tộc, mua lá thuốc rừng, cuối tuần lại bắt xe khách về đưa lá tắm cho con. Song cũng chỉ đỡ được mấy ngày. "Tại nước. Ở nhà cũ con không bị thế" , anh Ngọc quả quyết, đổ lỗi cho dòng sông Đáy trước nhà.
Xã Hoàng Diệu chạy dọc bốn 4 km theo hạ lưu sông Đáy. Những năm 2000 đổ về trước, tuổi hoa niên của nhiều thế hệ như anh gắn liền với dòng sông trong mát, đỏ phù sa. Từ ngày các làng nghề thượng lưu sông phát triển, rác dồn về Hoàng Diệu.
Mỗi mùa nước cạn, dòng sông cũng chuyển màu đen. Không còn ai có ý định nhúng chân vào dòng nước ấy. Nhà anh nhìn ra sông, cách bờ chừng chục mét. Vợ anh ban đầu ngủ với khẩu trang che mũi. Hai năm rồi, giờ chị cũng quen.
Anh Ngọc không có nhiều dẫn chứng khoa học cho cáo buộc của mình. Chỉ biết từ ngày tắm bằng nước tinh khiết đóng trong bình 20l, hai con anh không còn mắc bệnh về da.
Tháng 10 năm ấy, vợ chồng Hạnh khoan một cái giếng mới. Ở độ sâu tám mươi mét, thợ khoan gặp được mạch nước ngầm. Hạnh bảo đấy là một điều may mắn. Quanh thôn An Vọng, có nhà khoan cả trăm mét, nước cũng không lên.
Trong những ngày đợi giếng ấy, con cái Hạnh vẫn tắm bằng nước đóng bình đun sôi để nguội. Cả gia đình vẫn trông chờ cả vào vể nước mưa để nấu ăn. Và nàng dâu Chương Mỹ quay lại thói quen tắm nhờ như bốn năm trước.
Anh Ngọc là bộ đội chuyên nghiệp công tác xa, cả tháng mới về. Nhưng từ lúc làm lại giếng, tuần nào anh cũng xin về dù chỉ nửa ngày. Cứ về nhà là vội vàng tháo giày dép, chui ngay vào bể xây xây, rửa rửa.
Chị Hạnh bên đại công trình nước sạch của gia đình.
Bể lọc 2 khối với sáu tầng cát, sỏi không làm anh yên tâm. Anh Ngọc mua thêm quả lọc thô gần 4 triệu đồng, lại xây thêm bể 5 khối cát và một bể lắng, một téc nước để trên nóc nhà. Anh còn sắm thêm hai máy lọc nước công nghiệp hàng chục triệu đồng để vợ anh không còn phải mua nước đóng bình mỗi khi tắm cho con.
Hạnh đứng trước bể nước, tìm cách giải thích về cơ chế hoạt động của công trình nước sạch của gia đình. Chính chị cũng bối rối với cái hệ thống lọc nước cầu kỳ ấy. "Sao mà gian truân quá".
Hạnh giờ kinh doanh tạp hóa. Mùa hạn lại về. Cửa hàng chị vài phút lại có người mang bình đến đổi nước. Bể nước đã hoàn thiện, tốn gần một trăm triệu đồng. Cho dù nó cũng chưa thể khiến nhà chị yên tâm tuyệt đối.
Trường mầm non xã Hoàng Diệu ngăn với UBND xã bằng một bờ tường cao qua đầu. Từ hành lang tầng hai của trường, có thể đứng lên lan can, sau đó đạp lên bờ tường này để trèo tắt sang nóc ủy ban.
Cô Mai một tay cầm xô nhựa, tay kia vịn lan can, chân đạp bờ tường. Cô Mai dạy lớp ba tuổi, khi ấy, bụng bầu đã sắp đến kỳ sinh nở. Bên kia bức tường là ủy ban, có nước sinh hoạt. Bên này bức tường là trường mầm non, không có nước.
Cô Mai vặn đầy xô nước rồi lại trèo về trường vẫn theo cách cô trèo sang. Học trò của cô chưa thể tự mình đi vệ sinh. Xô nước đầy ấy, cô Mai sẽ dùng rửa chân tay mặt mũi, dội toa lét, hay tắm rửa cho các cháu mỗi khi giếng khoan không đủ.
Suốt nhiều năm, cô Mai cùng đồng nghiệp đã quen với việc đi xin từng xô nước về phục vụ sinh hoạt của trường. Hình ảnh cái bụng bầu của cô Mai đã diễn ra từ vài năm trước, nhưng là thứ cô Tuyến hiệu trưởng không bao giờ quên trong sự nghiệp giáo dục của mình.
Chương Mỹ là "rốn lũ" của Hà Nội, thừa nước sông nhưng thiếu nước sạch. Ảnh chụp tháng 7/2018.
Bốn mươi năm trong nghề, chỉ có hai lần cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyến phải tổ chức họp phụ huynh đột xuất. Cả hai lần đều liên quan đến nước.
Năm 2006, trung tâm nước sạch thành phố kết luận các mẫu nước của Hoàng Diệu chứa hàm lượng vôi và sắt cao hơn bình thường. Cô Tuyến tổ chức kỳ họp phụ huynh bất thường. Cô xin ý kiến để lập các nhóm đi vận động quyên góp mua máy lọc nước đặt tại ba điểm trường Trại Hạ, Bài Trượng, và Cốc Thượng. Các cô giáo cũng là những người quyên góp đầu tiên.
Theo đúng kế hoạch, mỗi tối, vào khoảng giờ chiếu thời sự hai cô giáo và vài vị phụ huynh của mỗi thôn đi "dân vận". Họ đi bộ cùng nhau, soi đèn pin vào gặp từng nhà quyên tiền.
Người Hoàng Diệu sống bằng nghề nông, kinh tế không dư giả. Mỗi nhà đi qua chỉ quyên góp được đôi chục nghìn đồng. Thành quả của một tháng "dân vận" vừa vặn mua ba chiếc máy lọc nước. Mỗi mùa tổng kết năm học hay khai giảng, cô Tuyến vẫn còn kể lại thành công của "chiến dịch" này với niềm tự hào. Ngày xóa điểm trường Trại Hạ để lên trường hai tầng khang trang , các cô vẫn mang theo chiếc bình lọc nước ấy về cùng.
Niềm phấn khởi kéo dài chưa bao lâu, bốn trăm cô trò lại đối mặt với nỗi lo giếng cạn, thiếu nước, không đủ điều kiện để trông bán trú.
Cuộc họp phụ huynh bất thường lần thứ hai, đã diễn ra năm 2011 để lấy ý kiến về việc mua nước tinh khiết đóng bình uống và nấu ăn cho trường. Phụ huynh không đồng ý.
Đấy là lý do cho cô giáo ngoài sáu mươi như cô hiệu trưởng Tuyến, hay những cô giáo bụng bầu vượt mặt như cô Mai, vẫn phải tranh thủ giờ các cháu ngủ trưa để cầm xô, chậu, hay bất cứ cụ chứa nước khả thi nào, sang UBND hay nhà văn hóa xã xin nước.
* Chương II: Kiếp người chờ nước
"Ao cá ngày xưa đây", ông Ân nói rồi tay chỉ vào khoảng đất um tùm cỏ lau trước mặt. Ba năm trôi qua ông vẫn nhớ vị trí từng gốc cau, giàn bầu giàn bí.
"Người ta lấy đất của tôi, rồi ba năm chỉ để đấy không làm gì". Ông Ân nhận mình vô lý khi ý kiến nhiều về những thứ đã không phải của mình. Ông tiếc rẻ cánh đồng bát ngát màu mỡ ngày xưa, nhắc lại nhiều lần những cái "giá mà... ".
Trên "ao cá" nhà ông bây giờ, ngoài mấy đống sắt ngổn ngang đã han gỉ, có thêm một cái nhà ngói con cho một người bảo vệ. "Người ta sắp xây nhà máy nước sạch ở đây", là toàn bộ thông tin ông biết về hai mươi hecta đất mình đang "bảo vệ".
Đó là chân dung của "Nhà máy nước mặt sông Hồng" - một đại dự án cấp nước của Hà Nội sau ba năm triển khai.
Từ năm 1900 đến nay, trên thế giới, cứ mỗi giây lại có 3 người chết vì hạn hán. Và 28% số người còn sống, vẫn đang phải dùng nước bẩn, tức là khoảng 2,1 tỷ người.
Các quốc gia tìm nhiều cách quyết liệt để đối phó với tình trạng này. Ví dụ như Nam Phi, đối phó bằng chính sách truyền thông khắc nghiệt. Từ 2015, thủ đô của Cape Town có một mốc gọi là "Day Zero". Chính quyền sẽ cắt nước toàn thành phố, kể cả ngân hàng, bệnh viện, trường học, nhà máy trong một ngày, khi các đập trữ nước của vùng xuống thấp kỷ lục, thường là tháng 4 đến tháng 5. "Không nên tắm quá 2 lần mỗi tuần, mỗi lần 2 phút", người đứng đầu thành phố khuyến cáo người dân trong những ngày hè.
Tại châu Á, Hàn Quốc là nước đông dân thứ 27 thế giới, nhưng chỉ đứng thứ 133 về diện tích mặt nước. Công cuộc tự chủ nước sạch không dễ dàng. Quốc gia giàu có này phải nhập nhẩu 60% nước sinh hoạt mỗi năm.
Năm 2013, Hàn Quốc bắt đầu bằng việc bảo vệ 900 km sông ngòi, với dự án trị giá 18 tỷ đô la Mỹ mang tên "Phục hồi bốn dòng sông". Xử lý và tái chế nước thải và thu nguồn nước mưa được chính phủ nước này coi trọng, do nguồn nước mặt khan hiếm.
Việt Nam cũng nằm trong bài toán thiếu nước toàn cầu. Đến năm 2017, chỉ khoảng 50% dân số được dùng nước sạch. Nhưng Hà Nội không cần phải quyết liệt như Hàn Quốc hay Nam Phi. Hà Nội có cách riêng của mình.
Là thủ đô của đất nước có 41.000 km sông ngòi và trữ lượng nước ngầm nhiều thứ 15 thế giới, Hà Nội chọn một giải pháp đơn giản và hiển nhiên: xây nhà máy nước sạch.
Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng nằm cách sân vận động và nhà hát vắng khách của Đan Phượng 5 cây số về hướng Bắc.
Tháng 8 năm 2015, mặt bằng dự án được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt trên 20,5 ha đất nông nghiệp của xã Liên Hồng, do Công ty CP nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư. Nhà máy được đầu tư 3.700 tỷ đồng.
Đây là một trong ba đại dự án về Quy hoạch cấp nước cho Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 của Thủ tướng. Sau ba năm, phần duy nhất được hoàn thành là giải phóng mặt bằng. Trên bản đồ vệ tinh, nhà máy nước giờ vẫn là một khoảng đất trống màu vàng vuông vắn nằm ngay mặt đường liên xã, bao quanh bởi xanh ngắt những cánh đồng hoa màu và cây ăn quả. Hơn một trăm nghìn người, khoảng 64% dân số Đan Phượng, vẫn chưa có nước sạch.
Dự án "Nhà máy nước mặt sông Hồng" sau ba năm triển khai vẫn là vùng ngập nước.
Đại cuộc tìm nước bắt đầu một ngày cuối tháng 10 mưa nhẹ. Chỉ còn một tháng nữa ông Ân sẽ được thu hoạch chín mươi gốc bưởi Diễn đem bán đợt Tết Bính Thân. Ông Ân tiếc tấn quả trị giá cả bốn, năm chục triệu đồng, nên xin "người ta" dền dứ cho đôi chục ngày để bán nốt vụ quả cuối cùng. "Nhưng việc nước, phải đúng hạn, nên họ đâu có cho".
Ông chỉ biết đứng bên thành ao, nhìn những chiếc máy xúc đào đang ầm ì xới tung từng gốc cây trong trang trại của mình. Mấy trăm quả bưởi đã chớm vàng, rụng lốp đốp xuống nền đất ẩm.
Ông Ân - người đã nhường đất canh tác cho dự án nhà máy nước. |
Trong cái ngày cuối tháng 10 năm ấy, có hàng trăm hộ dân xã Liên Hồng như ông Ân cũng trở thành những nông dân không ruộng, không vườn. Bờ xôi ruộng mật của họ thành "đất dự án".
Năm 1997, sau khi xã Liên Hồng thực hiện dồn điền đổi thửa, ông Ân cùng vợ bắt đầu xây đắp từng mét vuông một cho trang trại của mình từ đôi bàn tay trắng.
Ông Ân lặn lội đạp xe ra Viện cây trồng Quốc gia mãi tận Gia Lâm mua được một trăm cây giống đu đủ, mỗi cây giá một nghìn đồng. Hai mươi năm sau, ông vẫn nhớ số xoài mình đã mua để khởi nghiệp: mười bảy cây.
Ông Ân nhớ rất rõ từng mốc thời gian và sự kiện nhỏ nhặt về cái trang trại của mình. "Năm 2001 thay đu đủ bằng bưởi Diễn. Năm 2005 vụ bưởi đầu tiên bán được cả vườn. Năm 2008, mua hai vạn gạch làm tường bao. Đầu năm 2009 lát 50 mét đường bê tông dẫn vào khu đầm, xây lại lều lán, mắc thêm điện. Tháng ba xây chuồng lợn, trăm triệu nữa làm hố biogas, đào giếng, xây bể lọc nước, hệ thông tưới, công trình phụ".
Giờ lão nông ấy chỉ còn mảnh vườn năm mét vuông trồng vừa đúng một gốc cau và cây chanh đào. Ông chủ yếu ở nhà bế cháu nội.
Bất chấp dòng thông báo viết tay màu đen: "Công trường đang thi công, cấm vào" trên tường, tầm giữa trưa, sẽ có một người đàn ông cầm xô nhựa và ắc quy điện vào đây kích cá. Ông Tạo là người thôn Hữu Cước, cũng từng có một sào đất trồng hoa huệ và bưởi Diễn chỗ này.
"Ngày xưa cứ tầm tháng hai, tháng ba là chỗ này thơm nức", ông Tạo nhớ lại những đêm trăng sáng cùng những người bạn già, ngồi chõng tre uống trà, đánh cờ tướng trong vườn bưởi nhà ông Ân. "Chân lấm tay bùn mà sống như thần tiên", ông Tạo vợt con cá tép bằng đầu ngón tay, bỏ vào trong xô, nói bằng giọng tiếc rẻ.
Ông Tạo tiếc nhớ mảnh vườn khi xưa, nay thành "đất quy hoạch". |
Bốn trăm triệu đồng tiền đền bù cho sào bưởi, ông Tạo dành để xây nhà. Sau năm 2015, ở Liên Hồng mọc lên hàng trăm ngôi nhà ống nhiều tầng san sát. Sống trong những ngôi nhà tiền tỷ ấy là những người nông dân không sinh kế.
Dưới cái nhìn lạc quan của lãnh đạo địa phương, sự chậm trễ ấy mang đến sức ảnh hưởng rất tích cực. "Người dân lấy tiền đền bù xây nhà to, nên giàu lắm. Có bốn hay sáu cái hố, cá rất nhiều, dân lại ra đấy đánh cá đánh tôm bán, lại làm giàu ở đấy", ông Nguyễn Xuân Tú, Phó chủ tịch HĐND xã Liên Hồng nói.
Theo lời cảnh báo của Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, chính huyện này sẽ đề xuất thành phố xem xét thay thế chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ.
79% vốn của Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng thuộc về Công ty CP Tập đoàn Thành Long, đóng trên địa bàn của tỉnh Hưng Yên. Cục thuế địa phương xếp Tập đoàn Thành Long vào nhóm doanh nghiệp "có số nợ tăng cao", nợ thuế đến giữa 2017 khoảng 42 tỷ đồng.
Thành Long cũng là tập đoàn sản xuất và cung cấp toàn bộ phần kết cấu thép 7.000 tấn cho dự án cầu Vàm Cống tại Cần Thơ và Đồng Tháp. Công trình được biết đến với sự cố nứt dầm cầu từ giữa năm 2018. Họ cũng có tên trong danh sách bị UBND thành phố Hà Nội phê bình trong dự án cầu vượt An Dương vì "thiếu nỗ lực, thiếu phối hợp" trong thực hiện.
Một ngày cuối năm 2011, máy móc, xe cộ, giàn khoan bỗng chất đầy ở mảnh đất sau trường mầm non. Huyện Chương Mỹ khởi công nhà máy nước sinh hoạt trị giá 16,8 tỷ đồng ngay tại xã Hoàng Diệu. Cô Tuyến đang dạy dở lớp, cũng háo hức chạy sang xem. Dòng nước từ khoan thử bơm phụt ra xối xả , làm cô Tuyến khi ấy "mừng rơi nước mắt".
Buổi chiều, vẫn hai tay xách xô nhựa sang Ủy ban xã xin nước, nhưng các cô giáo trường mầm non Hoàng Diệu đều hồ hởi. Họ đều nghĩ không mấy nữa, cái cảnh này sẽ kết thúc. Cô Tuyến động viên đồng nghiệp "cố lên nhé, sắp có nước sạch về tận lớp rồi".
Cán bộ xã khi ấy đã quen với hình ảnh cô hiệu trưởng, chiều chiều hết lớp lại ra khu đất xây dựng nhà máy nước tần ngần đứng nhìn một hồi lâu. "Sắp xong chưa các anh nhỉ?". Năm đầu tiên, họ đáp lại câu hỏi của cô "sắp xong rồi", sau đó là "còn lâu nữa".
Cuối năm 2012, dự án hoàn thành, máy xúc, máy khoan đã đi hết, cánh cổng nhà máy vẫn khóa trái im lìm. Nhà máy nước đã xây xong, nhưng huyện vẫn chưa đủ kinh phí lắp ống dẫn về các thôn.
Cô Tuyến vẫn hỏi: "Sắp xong chưa các anh nhỉ?". "Đi hết rồi, hỏi gì nữa", lần này họ trả lời. Cô không hỏi nữa. Hè năm ấy, cô Tuyến về hưu.
Tháng 11 vừa rồi, cô về lại trường nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, vẫn nhắc lại chuyện về cô Mai và những ngày xách xô đi xin nước. Còn nhà máy nước vẫn khóa cửa y nguyên như ngày cô đi.
Trường mầm non Hoàng Diệu bây giờ đã là chuẩn Quốc gia loại I. Trường có nhiều xích đu, cầu trượt, nhiều vườn hoa, đồ chơi, sách vở và các hạ tầng đẹp mắt. Chỉ có một truyền thống bao năm không thay đổi: mua nước đóng bình để uống và nấu ăn. Khoảng 40 bình 20l mỗi ngày. Tổng chi phí cho nước uống của trường, mỗi năm trên dưới 60 triệu đồng.
Trước "công trình" nhà máy nước mặt sông Hồng.
Cũng như ông Ân ở Liên Hồng, Đan Phượng, ông Miền ở xã Chương Mỹ là cựu chiến binh dựa vào bàn tay trắng và sức lao động để làm giàu từ đất. Từ 1993, đây còn là một vùng đất cằn mọc đầy cỏ dại. Ông đầu tư hàng chục triệu đồng mua phân gà và hàng năm trời chỉ để cải tạo đất, cuốc cày tất cả đều bằng tay.
"Hồi ấy có cái xe đạp đi chở nước giải lợn đã là sang lắm". Ông Miền không có tiền mua xe đạp. Cái xe lam đến giờ ông vẫn giữ góc nhà, là quà của đồng đội cùng chiến đấu ngày xưa góp tiền mua tặng. Bốn đứa con ông, đi học nửa ngày rồi lại ra làm ruộng đến tối đêm cùng bố mẹ.
Vụ bưởi đầu tiên của ông Miền trùng vào năm xã lấy lại đất của ông để làm nhà máy nước. Bây giờ, ông trở thành người giữ chìa khóa cổng vào cái bãi đất hoang ấy.
"Xót không kể đâu cho hết", ông đứng trên nóc bể lắng của nhà máy nước, nhìn những hạ tầng to lớn bỏ không trước mặt. Cỏ dại đã cao ngang ngực. Ở Chương Mỹ, có 6 trạm cấp nước tập trung xây dựng dở dang như nơi ông Miền đang đứng, tổng giá trị 33 tỷ đồng.
* Chương III: Những mục tiêu trên giấy
Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội công bố kế hoạch thực hiện chương trình "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020". Hà Nội dự kiến chi vào chương trình này khoảng 31.000 tỷ đồng, đặt ra khá nhiều mục tiêu đến 2020 như: tăng giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên, cùng nhiều chỉ tiêu ấn tượng khác. Trong đó có mục tiêu 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh.
Hãy nhìn những mục tiêu trên giấy:
Năm 2020, huyện nông thôn mới Đan Phượng sẽ là "đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô, đầu mối giao thông gắn với các trung tâm đô thị". Đan Phượng sẽ phát triển theo hướng "công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa chất lượng cao cung ứng sản phẩm cho nhu cầu Thủ đô, phát triển dịch vụ, du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái". Đan Phượng sẽ lên quận.
Năm 2020, Chương Mỹ sẽ có thị trấn sinh thái Chúc Sơn và đô thị vệ tinh Xuân Mai, trung tâm kinh tế, giáo dục đào tạo, đô thị và công nghiệp ở cửa ngõ phía Tây Thủ đô. Vùng nông thôn của huyện sẽ trở thành "vùng công nghiệp làng nghề, vùng kinh tế trang trại, vùng sản xuất nông nghiệp năng suất cao và vùng rau an toàn", chuyên sản xuất hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu tại trung tâm thành phố.
Năm 2020, đô thị vệ tinh Gia Lâm, khi đó là quận Gia Lâm sẽ sở hữu một siêu đô thị 420 hecta có khu biệt thự cao cấp trong lòng đô thị, các khu nhà ở cao tầng, văn phòng, bệnh viện, quảng trường hồ điều hòa, khu thương mại, khu trường học cùng nhiều công trình công cộng khác, giá hàng trăm triệu đô.
Năm 2020, ông Tạo sẽ vẫn kích cá trên dự án nhà máy nước mặt sông Hồng. Người Hoàng Diệu vẫn sẽ mua nước đóng bình và sang nhà nhau tắm nhờ mỗi mùa khô đến. Trừ khi, có một điều kỳ diệu giúp Hà Nội hoàn thành mục tiêu nước sạch của mình trong vòng vỏn vẹn hai năm tới.
Theo Thanh Lam/VnExpress
Ảnh: Ngọc Thành, Giang Huy, Thế Đại, Du An
Đồ họa: Tiến Thành