Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng cần tăng cường cảnh báo hoặc có thậm chí cần có giải pháp cấm xe khách vượt đèo Hải Vân vì quá nguy hiểm.
Hàng ngày đèo Hải Vân có hàng ngàn lượt khách đến tham quanẢNH: HOÀNG SƠN
Ngày 9.1, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, sau vụ tai nạn lật xe trên đèo Hải Vân khiến một nữ sinh viên thiệt mạng, sở này sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.Đà Nẵng, Hội vận chuyển khách du lịch TP.Đà Nẵng để đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho tài xế khi lái xe qua đèo Hải Vân.
Cung đường đèo tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo ông Bình, vừa qua, TP.Đà Nẵng đã thành lập Hội Vận chuyển khách du lịch TP.Đà Nẵng, thông qua hội này, sở đã có nhắc nhở, khuyến cáo anh em tài xế khi lái xe qua đèo Hải Vân phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
“Cơ bản những tuyến đường tiềm ẩn rủi ro, tài xế phải đảm bảo và đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Đối với cung đèo Hải Vân, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên các ngành cần thiết có khuyến cáo”, ông Bình nói.Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đèo Hải Vân là đoạn đường dài, quanh co, độ dốc lớn… Do đó, ông Thọ đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xem xét gia cố đoạn đường này.“Đoạn đường xảy ra tai nạn có hộ lan bằng tôn nên kiến nghị cần làm hộ lan bằng bê tông cốt thép để giảm thiểu tai nạn”, ông Thọ nói.
Ông Thọ cho biết, từ năm 2016 đến này đã xảy ra 2 vụ tai nạn trên tuyến đèo Hải Vân (phía Thừa Thiên - Huế)."Năm 2016 đã xảy ra 1 vụ lật xe bồn cách hiện trường lật xe khách khoảng 500 m. Thực tế thì khi di chuyển, phần lớn xe khách đều đi qua hầm Hải Vân nên tai nạn giảm bớt”, ông Thọ nói.“Ở đoạn đường đèo dốc này, tài xế không quen nên chúng ta phải có cảnh báo hoặc thậm chí không cho xe khách lên đèo. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nghiên cứu thêm”.
'Tài xế không quen đường, xe dễ mất phanh'
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp vào tối 8.1 với các ngành 2 địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Khẳng định vụ tai nạn lật xe là “hết sức nghiêm trọng” và đèo Hải Vân là một “điểm đen” về giao thông với dốc cao, ngoằn ngoèo, vực sâu…, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có những chỉ đạo cụ thể để khắc phục.
Ông yêu cầu ngành chức năng bổ sung các đường, các hốc tránh nạn dọc theo các tuyến đèo.
“Tất cả những đoạn cong nguy hiểm phải có hộ lan mềm, hộ lan 2 tầng để các xe chẳng may có va vào cũng không lao xuống vực và giữ xe lại. Thứ 2 là hộ lan cứng và cao, có cọc chịu lực để đảm bảo hoặc hộ làm mềm và bổ sung vỏ xe hơi dọc theo hộ lan mềm để khi xe va vào thì dội ra ngay”, ông Thể phân tích vào cho biết, cách này đã được làm ở đèo Lò Xo.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ GTVT, do đèo dài ngoằn ngoèo nên phải có hướng dẫn, thông tin cho tài xế.“Tài xế ở nơi khác đến họ biết còn khoảng bao nhiêu mét nữa sẽ đến vực, cung cấp kịp thời thông tin… Việc nữa là làm các trạm dừng nghỉ ở đầu, giữa đèo để xe nghỉ ngơi và tiếp cận bình đồ khu vực đèo, để hình dung được khi nào lên xuống dốc”, ông Thể nhấn mạnh.“Các trạm dừng nghỉ này sẽ cung cấp thông tin cho tài xế và có cảnh báo cho lái xe ngoài tỉnh. Việc này phải triển khai khẩn trương”.Nói về nguyên nhân vụ tai nạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, tài xế khai báo là do mất phanh nhưng các ngành phải có cách để kiểm tra lại hệ thống phanh như thế nào.
“Nếu xe mất phanh thật sự thì phải có nguyên nhân. Có lẽ đa số như trường hợp này là do lái xe không thuộc đường nên thường xuyên sử dụng phanh khiến phanh bị chai phanh dẫn đến mất phanh. Đây là việc cũng cần cảnh báo. Nếu thật sự còn phanh thì sơ suất là do tài xế như quá tốc độ, khuất tầm nhìn… Đề nghị cơ quan công an xác minh cho rõ để rút ra bài học”, ông Thể nói.Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngành chức năng các tỉnh nên có cảnh báo các đoàn du lịch khi di chuyển bằng xe trong những vùng nguy hiểm cần có sự hỗ trợ nhất định như cho xe trung chuyển.“Các tỉnh nên có khuyến cáo cho các tài xế ngoài tỉnh không nên cho xe vào những khu vực nguy hiểm và chưa thành thạo”, ông Thể nói thêm.
Theo Hoàng Sơn/Thanh niên