Năm nay thịt lợn tăng giá nên có nhiều phương cách để "ăn gian" như bơm nước trước khi mổ, mua tích trữ từ lâu để làm giò chả bán Tết...
Sáng nay 4/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của Ban Chỉ đạo.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết: Năm 2018 Bộ Y tế đã triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính 88 tỷ đồng. Cùng với phạt tiền, đã tạm dừng lưu thông 76 lô sản phẩm vi phạm; thu hồi 56 giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Tại các địa phương, năm 2018 cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 673.000 cơ sở, phát hiện 116.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt 82 tỷ đồng. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ công thương, Bộ Công an… cũng tiến hành kiểm tra đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.
Ảnh minh họa: KT
Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm; giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm… còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều đáng lo ngại nhất trong dịp Tết này là kiểm soát nguồn cung thịt lợn để ổn định thị trường.
“Năm nay thịt lợn tăng giá nên có nhiều phương cách để ăn gian. Thứ nhất, trên đường đi đến lò mổ thì bơm nước. Như vậy, ở các tỉnh, ngay các lò mổ phải kiểm soát đầu vào. Thứ hai các thực phẩm để đông lạnh để làm giò, chả xúc xích và thực phẩm chế biến. Năm ngoái, họ mua tích trữ thịt lợn từ vài tháng trước tết và sau đó gần tết tung ra thị trường làm thực phẩm chế biến”- bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo cũng chỉ rõ: tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã có hiệu quả nhưng còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng… Tình trạng làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức về lĩnh vực thực phẩm được các đối tượng thực hiện tinh vi, các cơ quan chức năng khó kiểm soát. Việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội khó kiểm soát, xử lý.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 3 nguyên nhân dẫn đến khó kiểm soát an toàn thực phẩm. Đó là do cố tình vi phạm pháp luật, thứ hai do cơ sở hạ tầng xuất phát điểm thấp, thứ ba là do nhận thức của người dân.
“Giải pháp vẫn là tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra. Thanh kiểm tra vẫn là cơ bản nhất hiện nay, để cho hậu kiểm. Nhưng hậu kiểm thì người không có, tiền không có, ba là không dễ thanh kiểm tra. Thanh kiểm tra xong công bố công khai, họ sợ nhất danh tính, doanh nghiệp, địa chỉ, còn phạt không ngại. Tôn vinh những địa chỉ sạch, cạnh tranh lành mạnh, tập trung vào đó và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đó là cách cạnh tranh lành mạnh còn lại là xử phạt”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. Triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào các vấn đề: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm.
“Một là thuốc bảo vệ thực phẩm thuốc kháng sinh phải siết tiếp. Phân bón giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thực phẩm tươi sống ở chợ, chỗ này là thói quen khó. Hướng là không thể làm hiện đại nhà máy ngay nhưng cố gom dần lại. Về xuất nhập khẩu qua tiểu ngạch, Thủ tướng đã chỉ đạo phid kiên trì nhưng thêm tiếng nói an toàn thực phẩm"- PTT Vũ Đức Đam cho biết./.
Theo Lại Hoa/VOV1