Những cái chết dồn dập khiến người dân trong vùng đang rất hoang mang, lo lắng. Họ lo “chết mòn” với tồn dư thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến thế hệ mai sau nếu không có các giải pháp xử lý.
Người dân thôn Trung Trinh hết sức lo lắng trước tồn dư của các kho thuốc
Liên quan đến những cái chết dồn dập ở thôn Trung Trinh, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) trong 10 năm qua, người dân nơi đây đang sống trong sự bất an. Còn cơ quan chức năng chưa hề có giải pháp nào hữu hiệu để đẩy lùi nguy cơ này.
Hoang mang trước tồn dư của thuốc trừ sâu
Đường vào thôn Trung Trinh.
Không chỉ những gia đình có người chết vì bệnh ung thư đang sống trong cảnh tang thương, lo lắng mà hầu hết người dân nơi đây đều đang rất hoang mang. Toàn thôn Trung Trinh có hơn 230 hộ thì có đến hơn 2/3 chịu ảnh hưởng từ khu vực của 3 kho thuốc tồn dư.
Những bể đựng nước sinh hoạt của người dân.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Công Dũng - một người dân cho biết: “Trước đây, chúng tôi chủ yếu hứng nước mưa để dùng, chứ nước giếng không dùng được vì mùi thuốc trừ sâu. Đào ao thả cá cũng không nuôi được, cứ đào sâu xuống tầm 1m là mùi thuốc nồng nặc, giờ ảnh hưởng cả nguồn nước ngầm. Theo tôi nghĩ, chắc nhiễm nguồn thuốc trừ sâu vì khu vực này trước đây là kho trung chuyển của tỉnh”.
Nhiều gia đình đã không chịu được đành phải bỏ nhà chuyển đi nơi khác. Cụ thể như gia đình ông Trần Đường, ngôi nhà nằm ngay phía tay phải con đường bước vào thôn. Cách đây mấy năm vợ chồng ông Trần Đường đã lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư, các con ông phải chuyển đi nơi khác sinh sống, giờ chỉ còn căn nhà hoang nằm cạnh kho thuốc cũ.
Ngôi nhà bỏ hoang của gia đình ông Trần Đường.
Trưởng thôn Trung Trinh ông Nguyễn Phùng Dương rất lo lắng: “Người dân ở đây đang rất hoang mang, lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của mình vì thuốc đã ngấm vào lòng đất. Biết vậy nhưng đành chấp nhận sống ở đây chứ không biết chuyển đi đâu”.
Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri từ đại biểu HĐND huyện đến đại biểu HĐND tỉnh, người dân thôn Trung Trinh đã đề xuất, kiến nghị cấp ủy và các ngành chuyên môn có giải pháp để người dân yên tâm sinh sống, tuy nhiên tất cả cũng mới chỉ có các biện pháp tạm thời là cung cấp nguồn nước sinh hoạt.
Vượt thẩm quyền xử lý của chính quyền, ngành chuyên môn địa phương
Làm việc với chúng tôi ông Trần Sỹ Anh - Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên - cho biết: “Trước tình trạng nhiều người dân cùng mắc bệnh ung thư, thôn và xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và đã có nhiều đoàn về kiểm tra, lấy mẫu nước, mẫu đất đi xét nghiệm. Các đoàn chuyên ngành đều khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước và trồng rau màu trên vùng đất này. Có đoàn "hiến kế" di dời cả thôn đến địa điểm khác sinh sống”.
Ông Trần Sỹ Anh - Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên trao đổi với PV Báo Lao Động.
“Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất kiến nghị đến tỉnh, huyện nên năm 2014 được hỗ 10 téc chứa nước cho 10 hộ gia đình nằm trong khu vực ảnh hưởng nặng. Số các hộ dân còn lại thì hiện nay đã dùng nước từ nhà máy nước sạch Bắc Hà.
Còn về tình trạng mắc bệnh ung thư của người dân thôn Trung Trinh, cơ quan chức năng chưa hề có giải pháp nào hữu hiệu để đẩy lùi nguy cơ này. Bằng chứng là hàng năm, tình trạng người mắc và chết vì bệnh ung thư vẫn chưa ngưng” – ông Trần Sỹ Anh cho biết thêm.
Thôn được đưa vào Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các điểm tồn lưu hóa chất BVTV
Tại công văn số 6980/UBND-NL2 gửi Bộ Tài Nguyên Môi Trường, tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý trích ngân sách trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2019, để phối hợp cùng với bộ này thực hiện Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các điểm tồn lưu hóa chất BVTV, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết đinh số 807/QĐ-TTg ngày 3.7.2018.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Bá Lục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh - cho biết: “Sau khi tiến hành các bước lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích, thì thôn Trung Trinh là thôn được ưu tiên số 1 trong 16 điểm thuộc địa bàn Hà Tĩnh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong lòng đất”.
Mẹ con chị Nguyễn Thị Lý là gia định chịu ảnh hưởng nặng nhất từ những kho thuốc tồn dư.
Trong lúc chờ các cơ quan chức năng giải quyết thì người dân nơi đây đang phải sống chung với ô nhiễm môi trường và nguồn nước nhiễm độc. Nhiều cụ cao niên ở đây than thở: "Chúng tôi già rồi, cũng không sống được mấy nữa. Chỉ mong Nhà nước tiếp tục quan tâm giải quyết để cho bọn trẻ không phải đối diện với cái chết vì bị ung thư như những năm vừa qua".
Theo Anh Đức/Lao động