TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao - cho rằng, trong sự việc tài xế Đỗ Văn Tiến (Hải Phòng) đánh lái “thần sầu” cứu mạng 2 nữ sinh đi xe máy bị ngã ra đường, gây hư hỏng cho 2 xe ô tô khác, chỉ nên áp dụng biện pháp thỏa thuận bồi thường về thiệt hại giữa hai bên là hợp tình, hợp lý.
Tài xế có cú đánh lái "thần sầu" lo lắng trước khoản đền bù hơn 240 triệu
TS. Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao.
Sáng nay 16/4, TS. Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao đã gửi tới Dân trí ý kiến phân tích xung quanh sự việc tài xế Đỗ Văn Tiến (xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) có cú đánh lái “thần sầu” cứu mạng 2 nữ sinh đi xe máy bị ngã ra đường, đang thu hút sự quan tâm của dư luận về kết quả giải quyết của cơ quan chức năng:
“Theo các thông tin tôi nắm được từ báo chí thì tài xế Đỗ Văn Tiến đang điều khiển chiếc xe tải chở đá xanh lưu thông trên tỉnh lộ 359C thuộc địa phận xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên thì phát hiện hai nữ sinh đi xe máy phía trước cùng chiều bị ngã ra đường.
Để tránh gây thương vong cho hai nữ sinh, tài xế Tiến đã đánh tay lái, điều khiển xe ô tô sang trái. Do Tiến đánh tay lái quá gấp, xe chở đá mất thăng bằng, bị lật nhào, đá xanh văng ra đường và bắn vào hai ôtô con đang đỗ bên lề đường.
Vụ việc không gây thiệt hại về người, chủ yếu thiệt hại về tài sản. Cơ quan điều tra xác định chiếc xe Toyota mang BKS 30E… bị thiệt hại hơn 245 triệu đồng và chiếc xe con mang BKS 29D... bị thiệt hại khoảng 10 triệu đồng.
Như vậy, tài xế Đỗ Văn Tiến đã có hành vi lái xe ô tô sang trái đường và gây thiệt hại 255 triệu đồng, vi phạm quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thong đường bộ: “Gây thiệt hài tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 triệu đồng thì phải chịu xử lý theo điểm d, khoản 1, Điều 260 BLHS”.
Tuy nhiên, theo chính sách hình sự của Việt Nam (cũng như của nhiều quốc gia khác), nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, người có hành vi “nguy hiểm” mà biết hy sinh một cách hợp lý lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích khác lớn hơn, quan trọng hơn và cần thiết hơn thì hành vi “hy sinh” ấy dù “nguy hiểm” nhưng không được coi là tội phạm.
Nghĩa là, trong trường hợp của tài xế Đỗ Văn Tiến trên đây, cho ta thấy, nếu tài xế Tiến tiếp tục cho xe lưu thông theo hướng di chuyển thì chắc chắn sẽ gây thương vong cho hai nữ sinh.
Đứng trước sự đe dọa đến tính mạng của hai nữ sinh, để bảo vệ sự an toàn cho hai nữ sinh, tài xế Tiến đã đánh tay lái sang bên trái. Hành vi đánh tay lái xe chở đá sang bên trái đã làm cho xe ngã, đá văng ra làm hư hỏng xe ô tô đỗ cạnh đó, gây thiệt hại 255 triệu đồng. Hành vi này của tài xế Tiến thuộc trường hợp “tình thế cấp thiết” theo quy định của Điều 23 Bộ luật Hình sự (2015) nên không bị coi là tội phạm.
Trong trương hợp này, thiết nghĩ chỉ nên áp dụng biện pháp hai bên thỏa thuận bồi thường về thiệt hại là hợp tình, hợp lý”.
Như Dân trí đã phản ánh, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, anh Đỗ Văn Tiến đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng về cú đánh lái được coi là thể hiện phản xạ quá nhanh nhạy, tránh được một vụ tai nạn thương tâm. Thậm chí khi biết gia cảnh khó khăn của anh Tiến nhiều người còn gửi tiền vào tài khoản của vợ anh để hỗ trợ. Ngày 3/4, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đã gửi tặng anh Tiến 240 triệu đồng để giúp anh có tiền đền bù cho chủ xe Toyota bị hỏng. Doanh nhân này cũng cam kết trả lương cho anh Tiến cho đến khi anh được nhận lại bằng lái để đi làm. Đến nay, gia đình anh Tiến đã nhận được số tiền ủng hộ khoảng 300 triệu đồng. Gia đình anh Tiến cho biết, sau khi trừ toàn bộ chi phí đền bù, số tiền còn lại sẽ ủng hộ vào quỹ người khuyết tật của huyện Thủy Nguyên. |
Theo Thế Kha/Dân trí (ghi)