Những ngày qua, hàng chục học viên trúng tuyển đợt sát hạch lái xe hạng B2 tại Tây Ninh như ngồi trên lửa vì toàn bộ kết quả (đã trúng tuyển) của họ đã bị Sở Giao thông Vận tải huỷ bỏ. Nguyên nhân được đưa ra là trong hồ sơ dự tuyển, giấy khám sức khoẻ bắt buộc của các học viên không hợp lệ (bị làm giả).
Quyết định hủy kết quả trúng tuyển đối với các học viên dù họ đã trúng tuyển của Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh.
Thi đậu nhưng không được công nhận
Theo ghi nhận của chúng tôi, liên tiếp những ngày qua, 41 học viên trúng tuyển của đợt sát hạch đã đến Trung tâm đào tạo lái xe Thành Đạt; Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh) và Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh để thắc mắc vì sao họ đã trúng tuyển nhưng bị huỷ kết quả và áp dụng quy định sau 5 năm (kể từ 22.8.2017) mới được tiếp tục nộp hồ sơ dự tuyển sát hạch bằng lái xe. Theo anh Đ.T.T (ngụ huyện Dương Minh Châu), anh và nhiều học viên khác đã nộp hồ sơ đủ theo yêu cầu, đi học, đi thi đầy đủ theo quy định với tổng số tiền gần 15 triệu đồng nhưng lại không được công nhận kết quả học.
Theo đó, ngày 28.3.2018, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định về việc không công nhận kết quả trúng tuyển và hủy bỏ giấy phép lái xe, hồ sơ đăng ký dự sát hạch đối với đối với 41 học viên đã trúng tuyển đợt sát hạch (tháng 8.2017) tại hai cơ sở đào tạo là Trung tâm Dịch vụ Việc làm Tây Ninh (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh) và Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt. Tổng cộng, Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh đã ra 71 quyết định, trong đó 41 quyết định không công nhận kết quả trúng tuyển và 30 quyết định huỷ hồ sơ dự tuyển (đi thi nhưng chưa đậu) của các học viên tham gia dự tuyển đợt sát hạch vào tháng 8.2017.
Tại buổi tiếp xúc với phóng viên, thay vì cảm giác vui sướng để chuẩn bị nhận bằng lái xe thì nhiều học viên lại buồn rầu vì mình bị hủy kết quả dự tuyển dù đã được các trung tâm sát hạch báo trúng tuyển. Đáng nói là họ phải chờ 5 năm sau mới tiếp tục được nộp hồ sơ để đăng ký học bằng lái xe hạng B2.
Vừa là “đối tượng”, vừa là “nạn nhân”
Với vẻ ngạc nhiên, thất thần, anh Đ.T.T cho hay: Khi nộp hồ sơ không ai nói với anh về việc phải nộp giấy khám sức khoẻ nên sau khi đóng tiền, anh T. và một số người nộp hồ sơ vẫn đi học và đi thi theo quy định của trung tâm. Khi biết mình đã thi đậu và chờ ngày nhận bằng thì Trung tâm gọi điện lên nhận… quyết định huỷ kết quả của khoá học. Chúng tôi thắc mắc: Tại sao việc kiểm duyệt hồ sơ không làm ngay từ đầu mà đến khi có kết quả sát hạch rồi các đơn vị mới thông báo huỷ kết quả? Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời nào xác đáng.
Cũng tương tự như anh T., nhưng như chị P.T. và nhóm bạn của mình thậm chí còn được “người quen” khẳng định: Chỉ cần đóng tiền học, còn giấy khám sức khoẻ thì để họ “lo” luôn. Tin tưởng người quen, chị T. và nhóm bạn yên tâm đóng tiền và đi học. Kết quả, thay vì chờ nhận bằng họ lại nhận quyết định về việc huỷ kết quả của khoá học mà chị T. và nhóm bạn đã bỏ hàng tháng trời để đi học. Trong khi đó, chị N.T.D. còn không nghe ai nhắc đến việc phải nộp giấy khám sức khoẻ cho đến ngày nhận quyết định huỷ bằng lái vì giấy khám sức khoẻ là giả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 71 học viên bị huỷ kết quả bằng lái do giấy khám sức khoẻ không hợp lệ (bị làm giả - PV) đều nộp hồ sơ thông qua lời giới thiệu của người quen mà không kiểm chứng thông tin. Chúng tôi đã đem những thông tin nhận được từ các “nạn nhân” học thật nhưng không được công nhận bằng trao đổi với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Ông Đặng Xuân Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc Tây Ninh cho biết, hiện cơ quan chức năng chưa có kết luận hoặc làm việc với trung tâm về vụ việc này nên chúng tôi vẫn đang chờ.
Còn những thắc mắc của học viên là tại sao học ở trung tâm nhưng không được nhận bằng mà lại hướng dẫn sang Sở Giao thông Vận tải là vì Sở GTVT là nơi xét duyệt cuối cùng trước khi sát hạch. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng phòng Đào tạo của trung tâm này cho biết thêm, học viên có phản ánh về việc chuyên viên của phòng đào tạo là ông B.Đ.H nhận tiền để làm giấy khám sức khỏe. "Sự việc này trung tâm không hề hay biết đến khi có cơ quan công an vào cuộc thì mới hay. Chứ trước đây, giấy khám sức khỏe do học viên tự nộp nên khi thấy hồ sơ và giấy khám sức khỏe hợp lệ là trung tâm chấp nhận. Do chưa có kết luận về từng cá nhân vi phạm nên chúng tôi vẫn chưa làm việc với ông H".
Còn ông Trần Quốc Tấn, Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt thì từ chối trả lời về trách nhiệm của trung tâm khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này. Ông Tấn khẳng định, không có trường hợp nhân viên của trung tâm nhận tiền để làm giấy khám sức khỏe giả cho học viên.
Liên quan đến vấn đề giấy khám sức khỏe không hợp lệ trong hồ sơ của các học viên, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết, cơ quan này đang tạm giam đối với bị can Lê Văn Ngôi (sinh năm 1965) ngụ ấp Thanh An, xã An Bình, Châu Thành công tác tại Khoa Y tế Dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Châu Thành, từ tháng 1 đến tháng 6.2017, đối tượng Lê Văn Ngôi đã làm giả tổng cộng 111 giấy khám sức khỏe cho các học viên học lái xe.
Sai phạm của những cá nhân, đơn vị trong sự việc này đến đâu thì còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Song đây là một bài học đắt giá đối với các học viên đăng ký học bằng lái xe khi cả tin người khác để “tiền mất tật mang” như hôm nay.
Theo Lao động Online