ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Thu phí hiện tại ở sân bay là không đúng và đã lạm quyền, lạm thu. Không được quyền thu mà lại thu là trái pháp luật".
Đã quá thời hạn 30/3 hơn 10 ngày, thời hạn mà Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV), Bộ GTVT phải báo cáo Chính phủ về việc thu phí xe ô tô vào đón, trả khách tại các sân bay nhưng vẫn chưa thấy báo cáo về kết quả. Dừng hay thu tiếp? Kết luận thu sai sao vẫn làm?
Những lý lẽ, lập luận của ACV đưa ra biện minh cho việc vẫn thu phí sân bay rất mập mờ, không căn cứ. Thế nhưng, phải chăng, vì nguồn lợi nhuận “khủng” mang lại cho “một nhóm lợi ích” mà ACV bất chấp kết luận thanh tra, kiên quyết thu thứ phí này bằng được?
Loanh quanh biện minh
Trong văn bản mới đây gửi Bộ GTVT, Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) có đưa ra lý lẽ: toàn bộ số tiền thu được từ việc thu phí vào sân bay được doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách theo quy định và hạch toán vào kết quả kinh doanh của ACV.
Phải chăng, vì nguồn lợi nhuận “khủng” mang lại cho “một nhóm lợi ích” mà ACV bất chấp kết luận thanh tra, kiên quyết thu thứ phí này bằng được?
Tiền đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng tại các cảng hàng không nói chung và hệ thống đường dẫn vào nhà ga nói riêng là từ quỹ đầu tư phát triển của ACV, không sử dụng ngân sách.
ACV cũng thừa nhận, dịch vụ đường dẫn vào nhà ga chưa nằm trong danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu theo các quy định hiện hành.
Do đó, để việc thu phí phương tiện ra vào sân bay được thuận lợi, ACV đã kiến nghị Bộ GTVT hợp pháp hóa quy định này bằng cách bổ sung dịch vụ đường dẫn vào nhà ga thành dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại các cảng hàng không, sân bay; bổ sung khung giá đường dẫn vào nhà ga.
Cần dừng ngay việc thu phí vào sân bay
Trước kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ có nhiều sai phạm tại ACV trước đó, trong đó có việc thu sai phí dừng đỗ xe ô tô ra vào các sân bay lên đến hàng trăm tỉ đồng và yêu cầu dừng thu phí để có báo cáo rõ ràng. Nhưng ACV vẫn “làm ngơ” và kiên quyết thu phí, mỗi ngày vẫn "bỏ túi" cả nửa tỉ đồng…Nhiều người dân, Đại biểu Quốc hội cũng chính là nạn nhân của thu phí trái luật tại sân bay đã yêu cầu cần chấm dứt việc này.
Mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện ra vào cảng hành không Nội Bài, nguồn thu "khủng" được kết luận thu sai này vẫn đang được tiếp tục "móc túi" người dân.
Là người thường xuyên đưa đón khách ra sân bay Nội Bài, anh Nguyễn Hồng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chỉ đưa khách vào sảnh, đưa hành lý xuống xe...tất cả chưa đến 2 phút, nhưng khi ra cổng vẫn phải móc túi ra trả 15.000 đồng. “Không hiểu đây là thu loại phí gì”, anh Hồng thắc mắc.
“Nếu là đi đường BOT phải đóng phí thì tôi sẵn sàng không ý kiến gì. Đây là công trình do nhà nước đầu tư, có phải BOT đâu mà thu phí còn nhiều hơn cả BOT. Hơn nữa, qua báo, đài tôi được biết là kết luận thu phí sai, không được thu nữa. Nhưng bao lâu nay, lần nào lên sân bay là bấy nhiêu lần phải nộp tiền bến bãi, không có đường nào khác”, cầm trên tay tờ vé ra vào sân bay 15.000 nghìn đồng anh Hồng thắc mắc.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Việc Cục HKVN đề xuất Bộ GTVT nên báo cáo Chính phủ tạm dừng việc thu tiền sử dụng sân, đường dẫn vào nhà ga hàng không cần được xử lý sớm.
“Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo rà soát lại và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/3 đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để có giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến gì cũng là điều khó hiểu”, TS Lưu Bình Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, việc thu sai, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, đây là vấn đề đã được xem xét ở khía cạnh luật pháp. Thu phí hiện tại ở sân bay là không đúng và đã lạm quyền, lạm thu. Anh không được quyền thu mà anh lại thu là thu trái pháp luật.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng: Cần phải khẳng định rằng nếu không có căn cứ để thu mà vẫn thu có nghĩa là “trấn lột” hợp pháp.
“Quy định về phí và lệ phí, phí sân bay phải do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định, còn nếu ở các địa phương, phí về giao thông phải được hội đồng nhân dân quyết định. Cần phải khẳng định rằng nếu không có căn cứ để thu mà vẫn thu có nghĩa là "trấn lột" hợp pháp”, ông Nhưỡng nói.
“Thanh tra Chính phủ yêu cầu ACV phải giải trình cụ thể về việc này là chính xác. Vì đứng về phía người tiêu dùng là không chấp nhận được và đứng về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng đang có vấn đề. ACV mỗi ngày "bỏ túi" 600 - 650 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn nên Bộ GTVT cần đình chỉ ngay để thanh tra”, ông Nhưỡng nói.
Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, bản thân ông cũng là nạn nhân của việc thu phí vô lý này. Sau mỗi chuyến công tác, khi tài xế lái xe vào sân bay rất bức xúc vì không gửi xe vẫn bị thu phí.
Riêng tiền thu vé xe ra, vào các sân bay, ACV mỗi ngày "bỏ túi" 600 - 650 triệu đồng. Phải chăng vì nguồn thu nhập "khủng" này mà bất chấp có những kết luận sai phạm nhưng ACV vẫn "phớt lờ" và tiếp tục thu.
“Bây giờ cần phải làm rõ đã sai thì sai phạm ở mức độ nào? Ai là người sai phạm? Nếu cố ý làm trái thì phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Hậu quả rất lớn, hàng nghìn người bức xúc vì phải mất tiền phí vô lý này. Không có đường vào sân bay thì hành khách sẽ lên máy bay bằng cách nào? Không có chuyện nếu không thu phí thì ách tắc. Thu phí mới xảy ra ách tắc vì phải xếp hàng mua vé. Nếu không có trạm mỗi xe chỉ được dừng lại vài phút đưa tiễn khách thì làm sao mà tắc được”.
ACV nói thu để hưởng thành quả đầu tư trên đất Nhà nước giao không hợp lý. Đâu phải thích là đầu tư để thu tiền? Muốn thu tiền trên đất Nhà nước giao phải có dự án, phải có phê quyệt đúng thẩm quyền. Không phải thích là làm, thích là lập trạm thu được.
“Đã thu sai phải trả lại cho khách hàng, nếu không trả lại được, cái nào chi phí hợp lý thì có thể cho qua, lý do không thỏa đáng thì phải nộp vào ngân sách”, TS Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị.
Còn theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, đây là vấn đề đã được xem xét ở khía cạnh luật pháp. Thu phí hiện tại ở sân bay là không đúng và đã lạm quyền, lạm thu. Quy định về phí và lệ phí, phí sân bay phải có quy định cụ thể do Bộ GTVT đưa ra. Nếu ở các địa phương, phí về giao thông phải được hội đồng nhân dân quyết định.
"Một vấn đề tôi cần chỉ rõ ở đây, nếu có tiến hành thu phí thì không phải doanh nghiệp vận tải chịu mà là dân chịu, vì giá vé máy bay đã bao gồm đủ thuế, phí, nhưng đi qua cửa ra vào vẫn phải trả phí dịch vụ. Taxi sẽ tính vào tiền vé, xe chở hàng cũng vậy, nên điểm mấu chốt vẫn là dân trả. Không thể “trăm phí đổ đầu dân” như thế được”, ông Sanh nói./.
Vòng vo để tiếp tục thu là ngụy biện - Đại biểu Quốc hội, TS Lê Thanh Vân cho rằng, việc thu phí dịch vụ nhiều năm là sai, chưa có văn bản nào quy định việc thu phí sân, đường trong sân bay cả. ACV lý giải thu để hưởng thành quả đầu tư trên đất Nhà nước giao không thu phí sử dụng đất là hoàn toàn sai vì hiện tại đường dẫn chỉ nối đến sân bay chứ không phải là không gian bên trong sân bay. - Không hiểu sao bao nhiêu năm vẫn tồn tại như vậy. Không thể chuyển tiền thu bất hợp pháp từ người dân vào túi doanh nghiệp. Bao nhiêu năm nay người dân đã phản ứng nhưng ACV vẫn không dừng thu. Đến cuối năm 2017 mới tiến hành thanh tra là chậm. Đáng lẽ ra từ nhiều năm trước cần kiểm tra tính hợp pháp của các trạm thu phí này và phải có giải pháp ngay. - ACV đưa ra lý do thu phí một phần hạn chế ùn tắc giao thông cũng không thuyết phục bởi việc đưa đón khách liên quan đến số lượng hành khách. Nói như ACV có nghĩa là hạn chế khách đi máy bay. Vòng vo để tiếp tục thu là ngụy biện. |
Theo Phi Long/VOV.VN