Nhiều hoạt động hướng nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt cho thanh niên nông thôn đang được đẩy mạnh.
Phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ngày càng mạnh mẽ, vậy cơ hội nào cho thanh niên nông thôn trong sáng tạo và khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương?
Câu chuyện này được bàn luận trong cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (ảnh nhỏ), Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC).
Phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ngày càng mạnh mẽ
PV: Thưa bà, thanh niên chọn lập nghiệp tại quê hương có những lợi thế gì?
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng: Họ sẽ có một vài lợi thế. Thứ nhất là điều kiện sản xuất có sẵn, có đất đai của gia đình hoặc cũng rất dễ dàng để thuê lại đất.
Thứ hai là hiện nay, không nhiều lao động trẻ làm nông nghiệp, vì vậy nếu thanh niên trở về quê hương làm nông nghiệp sẽ có rất nhiều lợi thế: có sức trẻ, sự sáng tạo...
Hiện nay, với xu hướng có rất nhiều ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp thì đó là một trong những cơ hội cho thanh niên nông thôn sáng tạo và khởi nghiệp.
Thanh niên hoàn toàn có thể ứng dụng những công nghệ, thành tựu kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thanh niên cũng sẽ tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật nhanh hơn so với những người lớn tuổi. Đây cũng là lợi thế và cơ hội cho thanh niên khi các bạn quay lại với nông nghiệp.
PV: Thời gian gần đây, khá nhiều bạn trẻ có kiến thức khoa học đã mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Còn với thanh niên nông thôn, cơ hội việc làm và khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp có mở rộng hay không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng: Trong thời điểm hiện tại, thanh niên nông thôn phải trang bị cho mình những kiến thức nhất định và luôn luôn cập nhật những kiến thức đó.
Các bạn không chỉ cạnh tranh về năng suất lao động, chất lượng nông sản của chính mình đã làm trước đây, mà còn phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác trong khu vực.
Khi khởi nghiệp, phải hiểu về thị trường và đối thủ cạnh tranh để đi đúng hướng. Hiện nay, có rất nhiều kênh để tìm kiếm, tiếp cận thông tin... Không nhất thiết cứ phải tạo ra sản phẩm công nghệ sáng tạo, chỉ cần ứng dụng nó một cách phù hợp với ngành, lĩnh vực của mình là các bạn đã có thể thành công.
PV: Trong lĩnh vực khởi nghiệp, bắt buộc phải có vốn và đất để trồng trọt. Vậy có cách nào gỡ khó điều này, giúp thanh niên vượt qua thử thách đó?
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng: Theo tôi, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không nhất thiết phải có vốn và đất. Một chuỗi sản xuất nông nghiệp không phải chỉ có sản xuất sản phẩm nông nghiệp mà còn có khâu đóng gói, phân phối, vận chuyển... Và giá trị của nông sản không phải chỉ nằm ở khâu sản xuất mà còn là cả một chuỗi quy trình sau đó nên các bạn có thể tham gia vào chuỗi quy trình sau đó, như truy xuất nguồn gốc, làm gia tăng giá trị nông sản và cạnh tranh với các sản phẩm tương tự trên thế giới.
PV: Ngoài giúp thanh niên sử dụng thành thạo kỹ thuật ứng dụng công nghệ trong dự án của mình, BSSC còn hỗ trợ và đồng hành với thanh niên trong các hoạt động nào khác nữa, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng: Hiện nay, ngoài việc hỗ trợ vốn thông qua chương trình cho vay hoặc đầu tư; hỗ trợ kiến thức thông qua chương trình đào tạo thì BSSC còn giúp thanh niên thẩm định các dự án về công nghệ, tìm thấy để hỗ trợ cho các dự án, tạo sàn giao dịch đầu tư khởi nghiệp, tổ chức hội chợ để trưng bày giới thiệu sản phẩm, lập những kênh để giúp các bạn truyền thông tới cộng đồng...
Ngoài ra, BSSC còn hỗ trợ thanh niên trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm các nhà đầu tư. Đặc biệt, các bạn thanh niên có sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp thì các bạn phải đăng ký trong cuộc thi khởi nghiệp. Nếu những sáng chế đó khi ứng dụng vào chính mô hình của các bạn mà phát triển tốt thì có thể được chuyển giao, thương mại hóa. Thông qua cuộc thi khởi nghiệp cũng là cách để các bạn chứng minh sáng chế đó với cộng đồng và các nhà đầu tư.
Thanh niên làm nông nghiệp cũng có thể học hỏi lẫn nhau và tạo ra combo sản phẩm để cung cấp cho siêu thị, khách hàng, đồng thời phải ổn định được nguồn cung của mình.
PV: Theo bà, có cách nào để giữ chân thanh niên khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, thay vì đổ xô ra thành phố làm việc như những năm qua?
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng: Khi có một mô hình hiệu quả để chuyển giao, để thanh niên có thể tiếp nhận, có thể vận hành thì đó là cơ hội để họ ở lại và phát triển quê hương.
PV: Ngoài việc tìm kiếm sự trợ giúp từ các Trung tâm hỗ trợ thanh niên như BSSC, thanh niên lập nghiệp còn có thể tìm sự trợ giúp ở đâu?
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng: Các Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ở các tỉnh thành, đơn vị chính sách xã hội, quỹ bảo lãnh tín dụng... đều có thể hỗ trợ thanh niên để họ bắt đầu dự án của mình.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Theo Bích Ngọc/Báo Tiếng nói Việt Nam