Người ngực lép không được lái xe, chó, mèo phải “chính chủ”, xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ…là những quy định hài hước ở Việt Nam.
Ngực lép, thấp bé không được lái xe: Cách đây không lâu, người dân đã được một phen “sốc nặng” khi Bộ Y tế đưa ra tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2008/QĐ- BYT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế) quy định về vòng ngực trung bình dưới 72 cm...không được cấp bằng lái xe cho xe máy trên 50cc. Thiếu thực tiễn và không khả thi, quy định “ngực lép” không được lái xe đã không được dư luận chấp nhận, văn bản này đành bị hủy sau đó.
Xe chính chủ: Theo Nghị định 71/2012, cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và một triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Quy định này khiến hàng trăm nghìn người lo lắng vì đang sử dụng xe không chính chủ, trong đó nhiều trường hợp không thể tìm được chủ cũ. Nhiều người lo lắng liệu có phải mang hộ khẩu khi tham gia giao thông để chứng minh xe mượn chứ không phải "xe không chính chủ".
Chó, mèo cũng phải "chính chủ": Theo kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cấp chính quyền và ngành thú y phải lập sổ theo dõi số lượng chó, mèo nuôi, số hộ có nuôi chó, mèo trên địa bàn. Trong khi một số người cho rằng, chó mèo cũng nên có "chứng minh thư" để dễ quản lý thì nhiều ý kiến cho rằng quy định này là phiền phức và không khả thi. Ví dụ một gia đình nuôi 2 con chó và 7 con mèo (cả số vừa sinh) thì phải đưa toàn bộ số chó, mèo này đến UBND huyện để đăng ký và xin số.
Xử phạt ôtô không có bình cứu hỏa: Tháng 1/2016, Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực, quy định ôtô từ 4 chỗ trở lên, rơmoóc, xe chở khách... phải được trang bị bình cứu hoả, nếu không chủ phương tiện sẽ bị phạt đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, với đặc thù khí hậu Việt Nam, một số bình cứu hỏa mini để trong xe đã phát nổ. Bên cạnh đó, nhiều hãng xe không thiết kế nơi để bình cứu hỏa... Trước những tranh cãi và phản ứng trái chiều, Bộ Công an đã chỉ đạo không dừng phương tiện để kiểm tra bình cứu hỏa. Đến nay, việc xử phạt chưa được áp dụng với lỗi này.
Cấm quay phim, chụp ảnh CSGT: Tháng 4/2013, Cục Cảnh sát giao thông ra văn bản cấm người dân ghi hình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ nhằm mục đích "ngăn chặn tình trạng giả danh phóng viên báo đài, chửi bới, lăng mạ và chống đối lực lượng chức năng". Văn bản cấm ghi hình cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường của Cục Cảnh sát giao thông bị dừng ngay sau khi ban hành.
Phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn: Năm 2013, liên bộ Khoa học Công nghệ, Công thương, Công an và Giao thông ký thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy. Cụ thể, với những người đội mũ bảo hiểm không có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy sẽ bị xử phạt 200.000 đồng. Quy định này lập tức bị người dân phản đối. Đại diện Bộ Công an nói thêm, không có chỉ đạo nào liên quan xử phạt người đội mũ bảo hiểm sai quy chuẩn và nhấn mạnh đây chỉ là "hiểu nhầm của dư luận".
Thu phí bảo trì đường bộ với xe máy: Năm 2013, quy định của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ với xe máy có hiệu lực. Các loại xe đến 100 cm3 phải đóng phí bảo trì đường bộ 50.000 đồng/năm; xe trên 100 cm3 đóng 100.000 đồng/năm. Bất cập lộ rõ sau một năm triển khai khi mỗi địa phương có một mức phí khác nhau, nơi thu, nơi không thu dẫn đến sự không công bằng. Trong khi đó chế tài xử phạt người không nộp phí lại chưa khả thi. Việc phí chồng phí tiếp tục là chủ đề gây bất bình. Trước thực trạng này, 30/9/2015 các thành viên Chính phủ đã nhất trí dừng thu phí bảo trì đường bộ trên cả nước từ 1/1/2016.
Chỉ được tổ chức đám cưới khi có giấy kết hôn: Đây là nội dung được quy định tại Quyết định 2822/2015/QĐ-UBND Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Quy định này vừa gây cười, vừa gây bất bình cho người dân.
Công chức thủ đô tổ chức tiệc cưới không quá 50 mâm: Tháng 10/2012, Thành ủy Hà Nội đã ban hành quy định về văn minh việc cưới. Theo đó, khách mời không quá 300 người (tương đương 50 mâm cỗ), nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì không quá 600 người; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc. Thành ủy cũng yêu cầu không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của dân cư và cán bộ công chức (khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp...). Quy định này đã nhận được những ý kiến trái chiều và dường như không khả thi..
Chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ: Theo thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 3/9/2012, các sản phẩm thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Ngay sau khi ban hành thông tư, dư luận đã đặt nhiều câu hỏi về tính khả thi. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã quyết định dừng thực hiện thông tư này.
Đi xe theo ngày… chẵn, lẻ: Liên quan đến việc hạn chế xe ô tô cá nhân, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có “sáng kiến” gây nhiều tranh cãi đó là đề nghị nghiên cứu giải pháp hạn chế xe ô tô cá nhân đi vào khu vực trung tâm thành phố theo cách xe số chẵn đi... ngày chẵn, xe số lẻ đi... ngày lẻ. Ngay sau khi “giải pháp” chống ùn tắc này được đưa ra, dư luận đã phản ứng khá gay gắt vì cách làm này gây khó cho người dân và thiếu tính thực tiễn. Một quy định "trên trời".
Bịt ngã tư giảm ùn tắc: Tháng 4/2009, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thí điểm sử dụng dải phân cách cứng bịt các nút giao cắt tại ngã 3, ngã 4, sau đó mở ngã rẽ mới, cách nút giao cắt cũ chừng vài trăm mét. Việc phân luồng này sẽ tập trung vào tổ chức cho các phương tiện được rẽ phải và quay đầu. Sau 6 tháng thí điểm, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thừa nhận kết quả của giải pháp “bịt ngã tư” còn rất nhiều hạn chế và tình trạng ùn tắc chưa giảm, nguy cơ gia tăng tai nạn với người đi bộ. Cuối cùng, giải pháp “bịt ngã tư” lại phải dỡ bỏ.
Điều kiện làm nghề lái tàu: Mới đây nhất, Dự thảo lần 1 về tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên đường sắt của Bộ Y tế đang khiến dư luận bàn luận xôn xao vì những yêu cầu khá lạ. Một trong những quy định gây tranh cãi là về khám sức khỏe lái tàu, nhân viên đường sắt là nam phải khám cơ quan sinh dục, nữ phải có vòng ngực trên 75 cm. Một nguyên lãnh đạo của Bệnh viện Giao thông vận tải T.Ư nói: "Chúng tôi cười suốt hai ngày nay về tiêu chuẩn này"./.
Theo N.Y/VOV.VN (Tổng hợp)