Đó là thông tin được ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) đưa ra tại buổi họp báo Quý I/2018 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tổ chức chiều 27/3.
Sẽ giảm giá một số loại dịch vụ y tế trong thời gian tới. Ảnh: Như Ý.
Theo ông Lê Văn Phúc, quy định hiện hành về giá dịch vụ y tế thuộc diện thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đang có một số bất cập. Theo đó, có một số dịch vụ y tế được định giá quá cao, điển hình là chi phí tiền giường bệnh.
Hiện chi phí tiền giường bệnh được xây dựng trên cơ sở 1 giường có từ 1-1,3 nhân viên y tế, nhưng thực tế nhiều bệnh viện chỉ đạt 1 giường có từ 0,4-0,7 nhân viên y tế; một số loại trang bị tính vào chi phí tiền giường nhưng giờ không còn dùng nữa, hoặc không được trang bị như tiền màn, tiền nước, máy hút ẩm...
Ông Phúc dẫn chứng thêm về tiền dịch vụ nội soi tai – mũi – họng, trước đây xây dựng trên cơ sở đầu tư một máy nội soi vài trăm triệu đồng, nhưng thực tế các bệnh viện hầu hết dùng máy chỉ vài chục triệu đồng. Hay tiền lương nhân viên y tế tính vào giá dịch vụ, trước đây xây dựng trên cơ sở lương chỉ 1,15 triệu đồng/tháng, nhưng tới đây lương đã tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng...
“Chúng tôi mong muốn điều chỉnh khoảng 50 dịch vụ y tế, nhưng Bộ Y tế muốn chỉ điều chỉnh khoảng 20 dịch vụ. Chúng tôi sẽ cố gắng để điều chỉnh giá dịch vụ y tế về mức sát nhất, trên cơ sở khảo sát thực tế tại các bệnh viện”, ông Phúc nói. Dự kiến, thông tư về giá dịch vụ y tế mới sẽ có trong tháng 5 tới.
Ngoài ra, theo đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng thông tư đấu thầu thuốc và vật tư y tế tập trung cấp quốc gia. Ông Phúc kỳ vọng với đấu thầu tập trung sẽ ngăn chặn được tình trạng mỗi địa phương đấu thầu 1 giá như hiện nay, đặc biệt mức chênh lệch giữa các địa phương quá lớn với cùng 1 thiết bị, 1 loại thuốc. Như kim luồn y tế, có tỉnh đấu thầu giá 13.000 đồng/chiếc, nhưng có tỉnh chỉ 5.000 đồng/chiếc...
“Nếu đấu thầu thuốc và vật tư y tế tập trung sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cho Quỹ BHYT, và hướng tới mục tiêu giảm giá thuốc từ 10-15% so với hiện nay”, ông Phúc cho hay.
Ngoài ra, hiện có tình trạng các bệnh viện thu thêm tiền người bệnh cho các vật tư, thuốc đã nằm trong danh mục thanh toán BHYT, như ở Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).
Được biết, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán chi phí BHYT tại hơn 200 cơ sở y tế, thuộc 40 tỉnh thành.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hết quý 1/2018, cả nước có khoảng 39 triệu lượt khám chữa bệnh do BHYT thanh toán, với số tiền quỹ hơn 21.000 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước). Tất cả các tỉnh thành đều sử dụng vượt số tiền Quỹ BHYT được sử dụng. Trong đó, 9 tỉnh thành có tỷ lệ chi quỹ vượt 30%, như: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, các bệnh viện tuyến huyện có số lượt khám chữa bệnh tăng đột biến (tăng gần 18% so với cùng kỳ). Như Bệnh viện Đa khoa huyện Xí Mần (Hà Giang) tăng 54%, Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn (Hà Giang) tăng 53%, Bệnh viện Đa khoa Sốp Cộp (Sơn La) tăng 52%...
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2018, cả nước có 108 bệnh nhân được BHYT thanh toán số tiền trên 300 triệu đồng/người, trong đó người được BHYT chi trả cao nhất là hơn 1 tỷ đồng (bà L.T.T ở Thừa Thiên Huế).
Theo Lê Hữu Việt/Tiền phong