Nhà đầu tư BOT cho biết không hề chây ì triển khai lắp hệ thống thu phí (giá) tự động không dừng mà họ bị động vì Bộ Giao thông Vận tải
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đến nay, trên cả nước có 17/28 trạm thu phí BOT thuộc dự án thu phí không dừng trên Quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã vận hành thương mại làn thu phí tự động không dừng.
Né tránh, sợ minh bạch?
17 trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí không dừng gồm: Cao tốc Hà Nội Bắc Giang (Bắc Ninh); Tân Đệ (Thái Bình); Mỹ Lộc (Nam Định); Hoàng Mai (Nghệ An); Quán Hàu, Tasco Quảng Bình (Quảng Bình); Phú Bài, Bắc Hải Vân (Thừa Thiên - Huế); Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam); Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); Toàn Mỹ 14 (Đắk Nông); Đức Long 1, Đức Long 2 (Gia Lai); Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (Nghệ An) và trạm Cầu Đồng Nai. Đối với 11 trạm còn lại, Tổng cục Đường bộ yêu cầu trong tháng 3-2018 phải hoàn thành việc lắp đặt.
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện cả nước có 88 trạm thu phí BOT, trong đó 56 trạm đang thu phí, 17 trạm chưa thu; Bộ GTVT quản lý 73 trạm, 15 trạm do UBND các địa phương quản lý.
Sau khi triển khai xong việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ở 28 trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh, Tổng cục Đường bộ sẽ đốc thúc toàn bộ trạm do cả Bộ GTVT và địa phương quản lý thực hiện. Việc này phải hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng chủ đầu tư còn chây ì, né tránh trong việc lắp hệ thống thu phí tự động không dừng vì ngại sự minh bạch khi thu phí. Không ít chủ đầu tư BOT viện lý do chỉ có Công ty TNHH Thu phí tự động (VECT) độc quyền cung cấp dịch vụ dẫn đến giá thành cao nên chưa chịu triển khai.
Ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định nếu không thể thỏa thuận các điều kiện với VECT, chủ đầu tư có quyền lựa chọn nhà thầu khác chứ không có chuyện độc quyền trong thu phí không dừng.
Sau gần 1 năm thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, việc triển khai hệ thống thu phí không dừng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Do đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí không dừng.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo dừng hoạt động thu phí đối với các dự án BOT không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo chỉ đạo cho đến khi triển khai mới được phép thu phí trở lại.
Trạm thu phí BOT hầm đèo Cả (Phú Yên) vẫn chưa lắp đặt thiết bị thu phí không dừng Ảnh: HỒNG ÁNH
Chủ đầu tư không có quyền quyết định
Tối 4-3, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, cho biết công ty đang thu phí ở 3 trạm là An Dân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), trạm thu phí hầm đường bộ đèo Cả (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và trạm Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Cả 3 trạm này đều nằm trong dự án thu phí không dừng trên QL1 với lộ trình hoàn tất việc lắp đặt thiết bị điện tử để thu phí không dừng trong năm 2018. Tuy nhiên, cả 3 trạm này đều chưa được lắp đặt thiết bị thu phí không dừng.
"Đến lúc này, chúng tôi cũng không biết tới khi nào mới lắp đặt và nhà cung ứng thiết bị nào đến lắp đặt vì chúng tôi không có thẩm quyền. Chọn nhà cung ứng nào là do Bộ GTVT đấu thầu. Họ đến lắp đặt và chúng tôi phải trả tiền cho họ, chứ chúng tôi không được quyền chọn nhà cung ứng thiết bị cũng như quyết định thời gian lắp đặt" - ông Thủy giải thích.
Ông Thủy cho rằng theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm của chủ đầu tư được quy định tại điều 20 chỉ là tạo điều kiện cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí cải tạo, lắp đặt thiết bị tại trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng theo tiêu chuẩn quốc gia và giám sát hoạt động thu phí chứ không được phép chọn nhà cung ứng dịch vụ hay tự ý lắp đặt thiết bị thu phí không dừng.
Nói về dự án thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, ông Thủy cho rằng đó là hình thức tiên tiến, chỉ có lợi cho nhà đầu tư vì sẽ giúp giải phóng nhanh khi xe qua trạm thu phí, trách tình trạng ách tắc, ùn ứ qua trạm.
Ông Thủy cho rằng thực tế, không có chuyện nhà đầu tư e ngại minh bạch mà né tránh, kéo dài thời gian để thực hiện dự án thu phí không dừng. Bởi lẽ, việc thu phí tại các trạm theo cách cũ hiện nay đều có sự giám sát rất chặt từ ngân hàng - đối tác cho vay để nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Vì vậy, có thu phí bằng thiết bị điện tử không dừng hay thu phí cách cũ đều phải minh bạch.
Ông Thủy khẳng định Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đang trông chờ từng ngày để lắp đặt các thiết bị điện tử tự động không dừng cho các trạm thu phí do công ty quản lý.
Ông NGUYỄN VĂN KHANG, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang: Sẽ làm đúng lộ trình Hiện chúng tôi đã làm việc với Bộ GTVT. Hai trạm BOT T1 và T2 do chúng tôi làm chủ đầu tư sẽ tiến hành thu phí tự động theo đúng lộ trình của Bộ GTVT vào cuối năm nay. Tài xế NGUYỄN CHÍ THANH (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ): Trạm BOT sẽ "hạ nhiệt" Thu phí không dừng không chỉ hạn chế tình trạng ách tắc giao thông tại các trạm mà còn góp phần công khai, minh bạch số tiền thu vào của các trạm BOT vì các ngành chức năng hoặc người dân có thể giám sát được. Tôi hoan nghênh biện pháp thu phí như thế này. Có như thế thì tình trạng người dân, tài xế phản đối các trạm BOT sẽ sớm "hạ nhiệt". Ông NGUYỄN HỒNG ÂN, tài xế của nhà xe Cúc Tư (tỉnh Phú Yên): Tài xế trông mong Việc thu phí không dừng là điều mong mỏi của cánh tài xế và cả nhà xe. Mỗi lần qua trạm thu phí hiện nay, mỗi xe dừng lại nhanh nhất cũng mất 1-2 phút. Gặp những lúc cao điểm, lưu lượng xe qua trạm nhiều phải dừng lâu, khách rất phiền toái. Cái lợi hơn của việc thu phí không dừng là sẽ giảm nhiên liệu và sự hao mòn rất lớn cho xe vì mỗi lần lăn bánh sau khi dừng xe là một lần tốn nhiều xăng và hao mòn xe rất lớn. H.ÁNH - C.LINH - C.TUẤN ghi |
Theo Văn Duẩn - Hồng Ánh/NLĐ