Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, Hà Nội sẽ không triển khai tuyến buýt nhanh số 02 Kim Mã- Hòa Lạc.
Tuyến buýt nhanh BRT01 có lộ trình Yên Nghĩa-Kim Mã ngày càng tăng về sản lượng hành khách. (Ảnh: Thi Uyên/Vietnam+)
Lý giải về việc này, theo ông Hải, khi mở tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa, Hà Nội tính dùng 8 xe thừa của tuyến số 1 để phục vụ nhu cầu đi lại cho khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, sau 1 thời gian, tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa sản lượng khách tăng nhanh dẫn đến Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông độ thị phải điều chỉnh nâng tần suất khai thác nên phải giữ số xe đó lại.
Hơn nữa, vị Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đánh giá, trục đường Đại lộ Thăng Long nơi có tuyến buýt BRT02 dự định triển khai đi qua đã hình thành một loạt các đô thị có nhu cầu đi lại bằng xe buýt cao. Do đó, Hà Nội đã chuyển tiếp thêm tuyến xe buýt thường số hiệu 107 có lộ trình Kim Mã-khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc-Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.
“Việc thay đổi loại hình buýt nhanh sang buýt thường tiêu chuẩn cao sau một thời gian khai thác lên tới khu vực này đã cho thấy hiệu quả và sức hấp dẫn cao, cung ứng dịch vụ tốt hơn,” ông Hải nhìn nhận.
Trước câu hỏi Hà Nội có dự tính triển khai thêm tuyến buýt nhanh BRT trong thời gian tới, ông Hải cho biết, ngoài tuyến buýt BRT02, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu hạ tầng ở các tuyến đường nào phù hợp nhằm có thể triển khai tuyến buýt nhanh BRT.
Trước đó, tuyến buýt nhanh BRT01 có lộ trình Bến xe Yên Nghĩa-Kim Mã được thành phố chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/1/2017, đây là một loại hình buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và cũng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của cả nước được triển khai thực hiện tại thành phố Hà Nội.
Sau hơn một năm đưa vào vận hành, theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, sản lượng hành khách vận chuyển được 4,98 triệu lượt hành khách. Ngày cao điểm đạt 17.465 lượt khách/ngày. Khách bình quân lượt cả năm đạt 40,1 khách/lượt, trong đó khách bình quân giờ cao điểm lượng hành khách vận chuyển đạt 68,8 khách/lượt, bình quân giờ bình thường đạt 30,7 khách/lượt, giờ thấp điểm bình quân đạt 18,8 khách/lượt.
Đặc biệt, sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng một tuyến nói riêng của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác trên toàn mạng, bình quân tháng là 2.100 hành khách (tăng 3% so với kế hoạch và chiếm gần 6,8% lượng vé tháng một tuyến của toàn mạng).
Theo kết quả khảo sát, có 23% hành khách trả lời đã chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt nhanh BRT. Tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ đạt 98,7%, tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/giờ (nhanh hơn 30% so với buýt thường); thời gian chạy xe trung bình là 45 phút/lượt (giảm gần 20% so với xe buýt thường). Loại hình buýt BRT bước đầu đã được đa số nhân dân chấp nhận và đánh giá tốt về chất lượng phục vụ, sản lượng hành khách ngày càng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đã có nghiên cứu ý tưởng cho phép các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho tuyến buýt nhanh BRT từ 4 giờ đến 23 giờ hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau.
Trung tâm đã nghiên cứu tổ chức giao thông trước và sau nút đều có điểm mở, ngoài vạch liền, xe buýt thường chỉ được ra vào ở các nút giao thông đó chứ không phải chạy dọc hành trình mà chỉ rất ngắn.
Khẳng định việc buýt nhanh và buýt thường đi chung làn là giải pháp của nước ngoài, cho 1 làn ưu tiên riêng cho phương tiện công cộng đi trước qua các nút, theo ông Hải, nếu được thành phố Hà Nội thông qua, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị sẽ không “test thử” chung làn buýt thường và BRT mà cho triển khai luôn nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố./.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)