Họ là những người bác sỹ trẻ dù ở Hà Nội hay tình nguyện lên công tác tại những vùng núi cao đều mang trong lòng một hoài bão hết lòng phục vụ người bệnh, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân nhân.
Bác sỹ Tuấn khám sức khỏe cho một bệnh nhi tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trao Giải thưởng Đặng Thùy Trâm cho 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu
Hai bác sỹ trẻ, mỗi người một cảnh ngộ, nhưng tất cả đều hội tụ một niềm tin, một tình yêu nghề dào dạt, như một ngọn lửa được họ sưởi ấm, gìn giữ ngày qua ngày.
"Ngân hàng máu sống" di động
Người bác sỹ trẻ sinh năm 1984 với nụ cười tươi tắn, vui vẻ, hòa đồng và đặc biệt, anh được mệnh danh là "Ngân hàng máu sống" cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu.
Đó là bác sỹ Hoàng Chí Cương - Phó trưởng Khoa Miễn dịch Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tính đến nay, bác sỹ Chương đã đạt được kỷ lục với (86 lần) hiến máu và tiểu cầu để cứu sống cho nhiều người bệnh.
Kể về duyên cớ đến với việc hiến máu, bác sỹ Cương nhớ lại, đó là vào năm 2003. Khi ấy, một người bạn thân của anh mắc bệnh ung thư máu, rất cần máu để chữa trị. Lúc đó, mọi người còn rất xa lạ với việc hiến máu cứu người và chưa được hưởng ứng nhiều.
Hiểu được hoàn cảnh của bạn khi tính mạng phải vật lộn giành giật sự sống nhờ những giọt máu, anh càng trân trọng hơn ý nghĩa của việc hiến máu cứu người.
Bác sỹ Cương hiến tiểu cầu trong ngày mùng 1 Tết vừa qua.
Sau khi gặp hoàn cảnh người bạn cùng lớp của mình mắc bệnh và cần máu như vậy, ý thức của mọi người bắt đầu thay đổi. Đó là lần đầu tiên bác sỹ Cương hiến máu, khi đó, anh đang là sinh viên trường y năm thứ ba.
Rồi sau đó, anh về công tác tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thì mối lương duyên ấy càng có cơ hội nảy nở và phát triển hơn. Vậy là từ năm 2008 đến nay, năm nào bác sỹ Cương cũng đi hiến máu.
Đặc biệt, qua những lần xét nghiệm tại Viện kết quả cho thấy, tiểu cầu của bác sỹ Cương rất cao và tư vấn anh nên hiến tiểu cầu. Nguyên nhân là do thời gian hồi phục sau khi hiến tiểu cầu nhanh hơn hiến máu toàn phần. Với người hiến máu, phải sau gần 3 tháng mới hiến được máu đợt tiếp theo, tuy nhiên, với những người hiến tiểu cầu thì chỉ cần sau 20 ngày là có thể hiến được đợt tiếp.
Trung bình mỗi năm bác sỹ Cương tham gia hiến tiểu cầu từ 8-13 lần. Bác sỹ Cương cho hay, với anh mùng 1 Tết trong thời gian gần đây đã trở thành thông lệ là ngày đầu tiên anh đi hiến tiểu cầu của năm. Đã 4 năm nay, mùng 1 nào cũng là ngày đầu tiên của năm anh đi hiến tiểu cầu cho những bệnh nhân cần máu.
Bác sỹ Cương giải thích: “Tiểu cầu chỉ bảo quản được 5 ngày. Trong khi mỗi dịp Tết, người dân được nghỉ dài từ 7-9 ngày, nếu không có đủ lượng tiểu cầu được hiến thì bệnh nhân rất khan hiếm máu. Vậy nên, cứ được phân công trực Tết ở viện vào Mùng 1 Tết là tôi lại hiến tiểu cầu.”
Những năm qua, với tâm niệm sẵn sàng giúp đỡ khi bệnh nhân cần máu, tiểu cầu, bác sỹ Cương không ngần ngại đăng ký tên mình vào danh sách “Ngân hàng máu sống” của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để khi nào có bệnh nhân cần, chỉ cần một cú điện điện thoại là anh lập tức có mặt.
Sẽ là phiên dịch cho bệnh nhân dân tộc
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi tại Trường Đại học Y Hải Phòng, bác sỹ Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1989) - quê ở Hải Dương, đã tham gia vào dự án đưa bác sỹ trẻ tình nguyện lên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa của Bộ Y tế.
Tuấn là một trong số 7 bác sỹ trẻ đầu tiên của dự án được tuyển chọn. Gần 7 tháng qua, bác sỹ Tuấn đã "cắm chốt" gắn bó tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn).
Bác sỹ Tuấn thăm khám cho bệnh nhi. (Ảnh:PV/Vietnam+)
Khi tham gia dự án, Tuấn đã được Bệnh viện Nhi trung ương tuyển dụng, đào tạo trong vòng 2 năm để có thể tự mình xử trí nhiều ca bệnh khó tại nơi làm việc vùng sâu vùng xa.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Bể Đinh Mạnh Cường cho hay, sau hơn 6 tháng công tác tại trung tâm, bác sỹ Tuấn đã thực hiện được 33 kỹ thuật, trong đó 4 kỹ thuật mới được triển khai sau khi bác sỹ trẻ về công tác. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, khi về vùng khó, bác sỹ Tuấn còn trực tiếp giảng bài theo các chuyên đề, bồi dưỡng chuyên môn cho các đồng nghiệp tại đơn vị.
Với sự có mặt của bác sỹ Tuấn, nhiều trường hợp bệnh chuyên khoa nặng đã được điều trị thành công tại trung tâm y tế, như: trẻ bị vàng da sơ sinh, tràn dịch màng phổi, viêm cầu thận cấp tiến triển nhanh...
Đặc biệt, qua quá trình khám và điều trị cho bệnh nhân nhi, bác sỹ Tuấn đã phát hiện sớm những ca bệnh tim bẩm sinh, tư vấn cho gia đình khám và can thiệp thành công. Trong khi đó, thường các ca bệnh này trước khi phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Hiện những bệnh nhi này đã hồi phục tốt.
Kể về những khó khăn của mình khi về vùng sâu vùng xa công tác, bác sỹ Tuấn cho hay, chuyên môn thì không ngại khó ngại khổ, điều mà bác sỹ Tuấn phải bổ sung ngay đó là việc học thêm tiếng dân tộc để giao tiếp với những bệnh nhân là người dân tộc. Bởi chỉ khi hiểu được họ nói gì thì người bác sỹ mới khám và chẩn đoán chính xác được bệnh.
Bởi vậy, 6 tháng qua, cùng với việc khám chữa bệnh cho người dân, bác sỹ Tuấn cũng dùng mọi cách để “vận công” làm sao học tiếng của những người dân nơi đây nhanh và hiểu nhất để giao tiếp với bệnh nhân.
Bác sỹ Tuấn kể, đa số bà con ở đây là dân tộc Tày, một số ít là người Mông và Dao nên việc giao tiếp thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ.
Vậy nên, Tuấn đặt ra mục tiêu, sau 3 năm “nằm vùng”, “trình” tiếng dân tộc sẽ được cải thiện đáng kể.
Bác sỹ Tuấn cười: "Ba năm mình không chỉ mang kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao, mình đang cố gắng học thêm tiếng Tày, phần để hiểu người bệnh hơn. Bởi biết đâu, anh sẽ là phiên dịch viên của những bệnh nhân người dân tộc khi về điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Toàn ngành y có hơn 400.000 cán bộ nhân viên y tế đang hoạt động tại các cơ sở y tế trên khắp mọi miền của đất nước. Dù ở thành thị hay những vùng núi cao, họ vẫn tỏa sáng, mang trên mình màu áo trắng với trái tim ấm giúp đỡ người bệnh ở mọi nơi./.
Theo Thùy Giang (Vietnam+)