Những hộ dân cuối cùng ở xã Trà Don, Trà Tập huyện Nam Trà My đã được dùng điện lưới quốc gia. Tết này, bà con đồng bào vùng núi cao Nam Trà My đã có điện xài thỏa thích sau mấy chục năm chờ đợi.
Nhà vừa được đóng điện xong, anh Hồ Văn Trường (trú thôn 1, xã Trà Tập) không giấu được cảm xúc khi từ nay đã có điện xài, không như lâu nay, anh cùng một số hộ dân ở cùng xóm góp tiền mua máy thủy điện nhỏ đặt ở con suối gần nhà nhưng chỉ thắp được một bóng đèn nhỏ và phụ thuộc vào dòng nước suối.
Thợ điện đóng điện cho người dân sinh hoạt, sản xuất
Hôm nay, anh xin nghỉ ở nhà để phụ những người thợ điện kéo dây vào nhà, chỉ chỗ để đặt táp-lô, chỗ để bắt bóng đèn… Mỗi hộ như anh Trường không những được hỗ trợ dây kéo từ đồng hồ ở trụ điện vào mà còn được hỗ trợ táp-lô và 2 bóng đèn compact.
“Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước kéo điện cho bà con trong làng chúng tôi, chúng tôi rất phấn khởi vì điện sáng cả nhà, dễ dàng trong sinh hoạt trong gia đình và từng bước phát triển kinh tế”, anh Trường phấn khởi chia sẻ.
Kéo dây điện vào nhà anh Đào Minh Thọ (thôn 1, xã Trà Tập) phải băng qua suối, ruộng nhưng chỉ nửa tiếng là xong
Còn nhà anh Đào Minh Thọ (cùng thôn 1, xã Trà Tập) nằm trên quả đồi nhỏ, hôm nay anh cũng ở nhà để chôn trụ, hỗ trợ với thợ điện kéo dây vào nhà. Căn nhà gỗ của anh trước đây tối om om, hôm nay nhóm thợ điện 4-5 người kẻ kéo dây, người gắn đồng hồ… chỉ nửa tiếng là điện đã được kéo vào. Hai bóng đèn compact được ngành điện hỗ trợ nhanh chóng được bật sáng cả nhà.
“Trước đây chưa có điện, đời sống của bà con miền núi đầy khó khăn và trắc trở. Nay có điện thì đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao, kinh tế của bà con sẽ phát triển. Gia đình tôi cũng như bà con ở đây rất phấn khởi...”, anh Thọ chia sẻ.
Anh Hồ Văn Trường vui mừng khi trong nhà đã có điện lưới quốc gia
Theo anh Thọ, khi có điện thì đời sống văn hóa của bà con sẽ thay đổi. Bà con ở vùng cao này sẽ xem được tivi, nghe đài… biết đến chuyện trong nước ngoài nước…
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Văn Giáp – Phó Chủ tịch xã Trà Tập – cho hay, việc đưa điện lưới quốc gia đến thôn bản của xã có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi có điện về, bà con mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày như tivi, tủ lạnh… Đời sống của bà con sẽ từng bước được cải thiện.
Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My – cho hay, việc đóng điện cho bà con đồng bào ở đây rất phấn khởi trong đầu xuân Mậu Tuất này. Việc đóng điện tạo điều kiện thuận lợi để bà con ổn định sản xuất, sinh hoạt, bên cạnh đó nâng cao chế biến các loại hàng nông sản của địa phương và tiêu thụ những sản phẩm những đặc trưng miền núi của huyện.
“Có lưới điện quốc gia là mong mỏi rất lớn của đồng bào để thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt để chế biến hàng nông sản, dược liệu quý. Định hướng của chúng tôi là phát triển vùng này thành vùng dược liệu của quốc gia bên cạnh sản phẩm quý của địa phương là quế và sâm ngọc linh, chế biến thành sản phẩm đặc trưng và là sản phẩm quốc gia”, ông Mẫn phát biểu.
Theo Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC), để cấp điện cho người dân ở vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng cao của hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam, EVNCPC đã đầu hơn 90 tỷ đồng để xây dựng 90km đường dây trung, hạ áp và 35 trạm biến áp (TBA) để cấp điện cho hơn 1.800 hộ dân.
Tính đến nay, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã cấp điện được cho 10.248 hộ dân của 2 huyện này. Theo kế hoạch đến trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trên địa bàn 2 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam sẽ có thêm 16 TBA được đóng điện phục vụ đồng bào đón Tết. Trong đó, tại huyện Nam Trà My có 11 trạm và huyện Bắc Trà My có 5 trạm.
Theo Công Bính/ Dân Trí