BGTV- Tai nạn do say rượu là một trong 3 trường hợp cụ thể người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư 26/2017.
Theo đó, 3 trường hợp này bao gồm:
1. Tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
2. Tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
3. Tai nạn do say rượu, bia hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.
Cũng theo Thông tư này, trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì đơn vị nơi phân công nhiệm vụ, công việc cho người lao động chịu trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn trên đường đi từ nơi làm việc của đơn vị này đến nơi làm việc của đơn vị khác mà được xác định là tai nạn lao động, thì đơn vị nơi người lao động đến làm việc phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động cho người lao động.
BGTV