Bộ Y tế đề nghị cần có quy định về việc cho chất chỉ thị màu vào dung dịch cồn methanol để người dân dễ phát hiện, đề phòng ngộ độc, tử vong.
Chiều 31/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp tết nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018. Tại đây, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công thương cần có quy định về việc cho chất chỉ thị màu vào dung dịch cồn methanol để người dân dễ phát hiện, hạn chế tình trạng pha cồn methanol thành rượu, đề phòng ngộ độc, tử vong.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2025, nước ta đạt sản lượng 440 triệu lít rượu được sản xuất công nghiệp. Hiện cả nước có hơn 320 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/mỗi năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/mỗi năm; chưa kể các hộ gia đình tự sản xuất rượu, ước tính 250 triệu lít/mỗi năm.
Nhiều người uống nhầm rượu pha cồn methanol dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong (ảnh minh hoạ)
Theo Bộ trưởng Y tế, uống rượu bia quá mức không chỉ là nguyên nhân gây ra các hành vi thiếu chuẩn mực trong xã hội và tai nạn giao thông, mà còn gây ra 60 loại bệnh khác nhau. Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do rượu chiếm khoảng 6% và đang có xu hướng gia tăng.
Đặc biệt, báo cáo tại Hội nghị cho thấy, những năm gần đây, mỗi năm ghi nhận từ 1 đến 7 vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng. Trong đó, ngộ độc do rượu trắng chiếm 43%, rượu ngâm thuốc là 36%, rượu ngâm củ ấu là 16%, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn) chiếm 11%. Điều đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống phải rượu pha từ cồn công nghiệp methanol có xu hướng gia tăng và các bệnh viện chưa có thuốc giải độc.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kiến nghị: “Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công thương, nhằm tránh tình trạng nhầm lẫn trong sử dụng cồn công nghiệp thì cần quy định việc cho chất chỉ thị màu, xanh-mê-thi-len; tức là cồn công nghiệp phải có màu xanh, như vậy khi nhìn vào là phát hiện được ngay và không uống. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công thương sớm thực hiện được việc này để hạn chế tình trạng ngộ độc do sử dụng cồn”./.
Theo Văn Hải/VOV1