Tình trạng xe biển xanh lũ lượt kéo đến nhà quan chức đứng đầu một sở quan trọng để… ăn giỗ từng gây xôn xao dư luận sẽ không còn tái diễn khi TPHCM - địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện đề án thí điểm cho thuê xe công.
Xe công sẽ được khai thác hết hiệu suất khi thực hiện đề án thí điểm thuê xe nhằm tiết kiệm, tránh lãng phí.
Lãng phí
Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, trên địa bàn hiện có gần 700 ô tô công được giao cho các sở ban ngành, cơ quan hành chính cấp thành phố, quận huyện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc quản lý, sử dụng. So với quy định hiện hành (Quyết định số 32/2015 của Chính phủ), TPHCM đang thừa hơn 350 xe công.
Thừa xe công song việc bố trí xe ở một số đơn vị chưa phù hợp, nơi thừa, nơi thiếu. Đơn cử như UBND quận Bình Thạnh được bố trí 4 ô tô công, gồm 3 chiếc loại 5 chỗ và 1 chiếc loại 16 chỗ trong khi theo tiêu chuẩn thì HĐND và UBND cấp quận huyện chỉ được trang bị tối đa 2 ô tô/đơn vị. Ngược lại, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM theo tiêu chuẩn và định mức phải được sử dụng 2 ô tô nhưng cơ quan này chưa được bố trí một chiếc xe công nào.
Số lượng xe công lớn dẫn đến tình trạng thừa, xe đắp chiếu, thậm chí phục vụ việc riêng tư. Trong khi đó ngân sách phải chi trả lương, thưởng cho lái xe và bảo trì, bảo dưỡng. “Đa phần các xe công hiện đã cũ, hỏng, có trước năm 2007, trong khi tiền bảo trì, bảo dưỡng, duy tu sửa chữa mỗi năm rất lớn”, ông Hoan cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết hiện nay có những ngày lãnh đạo sở ban ngành, quận, huyện không đi họp hoặc chỉ đi họp một buổi. Khi chuyển sang hình thức thuê xe, tình trạng vừa lãng phí xe vừa lãng phí lái xe sẽ được khắc phục. Ngoài ra, TPHCM sẽ kiểm soát được kinh phí, đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng ngân sách hiệu quả một khi không còn mua xe công, không tốn kém chi phí bảo trì… Lượng xe công dôi dư sẽ được thu hồi, thanh lý nộp tiền vào ngân sách.
Ông Tuyến cho biết, UBND TPHCM đã quyết định thí điểm đề án xóa bỏ xe công, chuyển sang thuê xe tại 5 đơn vị, gồm: Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Ban Quản lý An toàn thực phẩm và 2 quận huyện gồm quận Bình Thạnh (nội thành), huyện Bình Chánh (ngoại thành). Các cơ quan đơn vị trên sẽ chuyển giao toàn bộ xe công về Công ty Công ích Thanh niên Xung phong (Công ty TNXP) quản lý.
Sau khi tiếp nhận xe, công ty này sẽ phân bổ hợp lý về các cơ quan, đơn vị thuê xe. Tiền cho thuê xe sẽ nộp vào ngân sách. Tất cả tài xế ở các sở ngành, quận huyện dự kiến sẽ được Công ty TNXP tiếp nhận, bố trí việc làm và quản lý, trả lương. Nếu triển khai, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc cho thuê xe công theo đề xuất khoán, thuê xe công của Bộ Tài chính.
Xe công… chạy dịch vụ
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 26/1, đại diện Công ty TNXP cho biết đã đề nghị các sở ban ngành, quận huyện được chọn thí điểm thống kê lượng xe, số tài xế, bảo vệ, tạp vụ (cùng với thu nhập). Công ty sẽ làm việc với từng đơn vị nắm bắt nhu cầu sử dụng xe, lập kế hoạch điều phối phù hợp để hoàn chỉnh đề án báo cáo UBND TPHCM quyết định.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, Văn phòng UBND thành phố đã chuẩn bị và sẵn sàng bàn giao xe, tài xế… cho Công ty TNXP để thực hiện đề án. “Chuyển sang thuê xe cho thấy rất rõ việc tiết kiệm nhưng quan điểm của thành phố là phải chăm lo đầy đủ và đảm bảo mức thu nhập hiện nay khi đội ngũ cán bộ, công chức, lái xe chuyển sang môi trường làm việc mới”, ông Hoan nói.
Theo đề án, các xe biển xanh (xe công) sau khi bàn giao, căn cứ nhu cầu sử dụng của từng đơn vị, Công ty TNXP sẽ bố trí xe kèm tài xế. Có tổng cộng 26 xe phục vụ công tác chung. Mỗi đơn vị sẽ được bố trí 2 xe theo định mức quy định.
Các cơ quan, đơn vị ký hợp đồng thuê xe theo từng tháng với Công ty TNXP. Công ty sẽ bố trí thường trực ôtô thuê theo tháng tại trụ sở làm việc của bên thuê, để kịp thời điều động phục vụ nhu cầu đi lại. Đơn vị nào có nhu cầu đột xuất, ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ tết... sẽ được bố trí thêm trong 10 ô tô 4-16 chỗ đời mới (từ 2015 trở lên) phục vụ 24/24. Đơn giá thuê xe tính theo km hoặc theo chuyến.
Đơn giá thuê với xe 4-5 chỗ là 20 triệu đồng, 24 triệu đồng đối với xe 7-8 chỗ, xe 12 chỗ 25 triệu đồng và 28 triệu đồng cho xe 15-16 chỗ. Định mức mỗi xe là 2.000 km/tháng). Mỗi km vượt được tính theo đơn giá km ứng với từng loại xe. Thời gian trống sẽ tận dụng để cho thuê dịch vụ. Việc đặt xe thông qua ứng dụng TNXP CAR cài đặt trên điện thoại, máy tính của người dùng.
Theo đại diện Công ty TNXP, trung bình mỗi cơ quan được chọn thí điểm đang quản lý 5-8 đầu xe, chi phí khoảng 15 triệu đồng/xe/tháng. Khi thực hiện đề án, mỗi đơn vị còn 2 xe, với chi phí sử dụng 20 triệu đồng/xe/tháng thì hàng tháng mỗi đơn vị sẽ tiết kiệm hàng chục triệu đồng. Đơn cử như Văn phòng UBND TPHCM, với 7 xe công và 8 lái xe như hiện nay mỗi tháng đơn vị này phải chi hơn 173 triệu đồng. Sau khi bàn giao, chỉ còn 2 xe và 2 lái xe, Văn phòng UBND TPHCM sẽ tiết kiệm 112 triệu đồng/tháng, tức hơn 1,2 tỷ đồng mỗi năm.
Trong thời gian thí điểm các xe vẫn mang biển số xanh. Đối với một số chức danh là lãnh đạo thường trực, thường vụ thì phải bố trí xe riêng để đảm bảo công tác, an ninh.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, khoản tiết kiệm được từ việc chuyển đổi mô hình xe công sang thuê xe là chi thường xuyên, có thể được xem xét sử dụng để tăng thu nhập cho cán bộ công chức theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Theo Huy Thịnh/Tiền phong