Từ 1/10/2017, trên cả nước đồng loạt cấp thẻ BHYT theo mẫu mới. Việc thực hiện cấp thẻ BHYT mới đã phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn.
Sai sót trong khâu in thẻ, lỗi cập nhật thông tin trong hệ thống của BHXH, những quy định trái chiều giữa Bộ Y Tế và BHXH Việt Nam cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, gây khó khăn cho cả cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh.
Trăm dâu đổ đầu tằm
Sáng thứ hai đầu tuần, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang rất đông. Trung bình ngày đầu tuần có khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng khám Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang phải mất nhiều thời gian tra cứu thông tin trên thẻ BHYT trước khi khám bệnh.
Trước đây, chỉ cần nhìn thẻ BHYT, các thông tin ghi trên thẻ là bác sỹ có thể biết đối tượng này như thế nào, nhưng hiện nay, bác sỹ sẽ tốn thêm một công đoạn nữa là tra cứu thông tin của bệnh nhân trên hệ thống của BHXH Việt Nam xem thẻ BHYT này còn thời hạn sử dụng hay không, có hợp lệ hay không.
Do tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đều cùng tra cứu trên 1 hệ thống nên tình trạng nghẽn mạng thường xuyên xảy ra. Cả bác sỹ và bệnh nhân phải đợi, lại tốn thêm một thời gian.
Chưa kể hệ thống vẫn chưa cập nhật đầy đủ các thông tin của người bệnh cộng với nhiều sai sót in trên thẻ đã gây khó khăn cho cả bệnh nhân và bệnh viện.
Thẻ BHYT cũ còn thời hạn sử dụng hoặc đã có thẻ BHYT mới nhưng khi tra cứu trên hệ thống thì hệ thống báo thẻ hết hạn hoặc không có thông tin của bệnh nhân.
Những trường hợp này bệnh viện phải xin ý kiến của BHXH cho phép bệnh viện vẫn được kê toa thuốc 1 đợt điều trị nhưng phải photo thẻ kèm theo hồ sơ và nhắc bệnh nhân đến cơ quan BHXH đổi thẻ mới.
Bác sỹ Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết: Bệnh viện phải tăng cường thêm người để làm công việc hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra thông tin trên thẻ BHYT.
Hiện, bác sỹ làm luôn phần việc lẽ ra là của đơn vị bảo hiểm, bởi quy định “cơ sở khám chữa bệnh nếu phát hiện thiếu thông tin BHYT thì phải tự xác minh, không được phép yêu cầu bệnh nhân quay về đổi thẻ BHYT”.
“Đầu năm 2018 các tỉnh đều kiểm tra trên hệ thống này nên hệ thống không chạy được để kiểm tra. Chúng tôi có nhờ thường trực BHYT xuống làm giúp, nhưng không hợp tác tốt. Bất cập nữa là bệnh nhân được cấp thẻ mới hoàn toàn nhưng trên hệ thống lại thông báo đã hết hạn, bệnh nhân không được khám. Chúng tôi phải xin ý kiến ban giám đốc giải quyết cho khám 1 đợt, rồi liên hệ lại thì có những giằng co cho rằng có nhiều lý do tôi cũng không hiểu. Về phía khoa khám chữa bệnh, chúng tôi sẽ cũng cố gắng ưu tiên cho người bệnh”.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018, để thuận tiện cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, Bộ Y tế có công văn đồng ý cho bệnh nhân được hưởng chế độ bảo hiểm cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú nhưng BHXH Việt Nam lại có văn bản chỉ đạo ngược lại khiến cơ sở khám chữa bệnh rất khó thực hiện và quyền lợi của người bệnh không được đảm bảo.
Để giải quyết những hướng dẫn trái ngược nhau giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang phải làm việc với BHXH Kiên Giang và được cơ quan bảo hiểm thống nhất giải quyết cho 1 đợt điều trị ngoại trú, trừ đối tượng có mã thẻ GD (tức là người tham gia BHYT theo hộ gia đình). Sau đó lãnh đạo Bệnh viện phải liên hệ lại với cơ quan bảo hiểm thì đối tượng này tạm thời chỉ được hưởng thời hạn ghi trên thẻ và chờ hướng dẫn cụ thể nữa.
Bác sỹ Phạm Thị Nữ, phó phòng hành chính Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho rằng BHXH tỉnh trước khi thay đổi cuối năm cần có công văn về chính sách ngoại trú, nội trú cho bệnh viện dễ hoạt động và tiện lợi cho người bệnh. Ngoài ra, nên cấp thẻ mới cho người bệnh ngay từ đầu năm 2018, vì trong trong thời gian này người bệnh vẫn còn giữ thẻ cũ thì cơ sở khám chữa bệnh, nên rất khó khăn trong việc tra cứu.
Sai sót nên dân thiệt thòi
Mặc dù thẻ BHYT từ năm 2017 trở về trước không có hiệu lực sử dụng trong việc khám chữa bệnh từ 1/1/2018, nhưng hiện nay số thẻ BHYT được cấp mới năm 2018 ở Kiên Giang vẫn còn tồn hàng ngàn thẻ do người dân chưa đến nhận.
Không chỉ vậy, trên thẻ BHYT mới cũng không ghi chú rõ ràng địa chỉ của người sử dụng thẻ khiến địa phương không thể cấp phát thẻ về các khu phố mà phải giữ lại phường.
Hiện nay rất nhiều trường hợp, thẻ BHYT của người dân bị sai mã số, sai lệch thông tin về thời gian đóng bảo hiểm. Có những người đã đóng BHYT được 5, 10 năm nhưng thẻ BHYT mới chỉ ghi nhận họ mới tham gia bảo hiểm, phải đi lại làm thủ tục nhiều lần gây bức xúc.
Anh Huỳnh Bửu Sơn, ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng đưa cha đi khám bệnh cho biết anh không hề biết những quy định thay đổi trong cấp thẻ BHYT. Thấy thẻ cũ vẫn còn thời hạn sử dụng thì đưa người nhà đi khám bệnh, khi đến đây mới biết thẻ này trên hệ thống không còn hạn sử dụng.
"Mình ở nông thôn chưa nắm rõ về những thay đổi của bảo hiểm. Đi khám bệnh từ huyện lên tỉnh rất xa chứ không gần mà không sử dụng được bảo hiểm cũ, khó khăn là phải về thay đổi bảo hiểm. Tôi mong rằng có sự thiết thực hơn”, anh Sơn chia sẻ.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Văn Lan ở huyện Châu Thành thì mặc dù đã có thẻ BHYT mới nhưng khi đến khám bệnh, tra cứu trên hệ thống thì mới biết thẻ bị sai địa chỉ. Đến cơ quan bảo hiểm để chỉnh sửa thì được hẹn 3 ngày sau mới có. Lần này anh phải bỏ tiền túi đi khám bệnh mà không được hưởng chế độ bảo hiểm. Anh đặt vấn đề vậy trách nhiệm của BHXH ở đâu trong những trường hợp như thế này. Lỗi ở BHXH vậy sao không cấp thẻ ngay khi người dân đến chỉnh sửa.
Anh Lê Quang Thành, nhà ở ngay TP. Rạch Giá, mỗi tháng đều đưa mẹ già đi khám bệnh định kỳ do bà bị bệnh mãn tính nhưng cũng không hề biết thông tin đổi thẻ BHYT mới.
Anh Thành bày tỏ: "Thông tin thay đổi thẻ bảo hiểm tôi không biết. Hôm nay tôi đi làm được nửa quy trình thì mới biết bị sai ngày tháng nên phải rút hồ sơ để bổ sung lại. Những thông tin kiểu này không dễ gì biết, trừ khi nào có người trong ngành thì mới biết được thông tin đó, còn hiểu biết rộng rãi thì ít lắm. Tôi mong muốn những thông tin thay đổi về BHYT nên đưa lên báo đài rộng rãi để người dân được biết".
Ông Nguyễn Chí Tâm, Phó chủ tịch UBND phường An Hoà cho biết hiện nay phường mới chỉ phát được 150 thẻ trên tổng số gần 1.200 thẻ BHYT trẻ em; gần 400 thẻ BHYT hộ gia đình trên tổng số hơn 5.000 thẻ.
Ông Tâm kiến nghị: "Khi lên khám, BH trẻ em thực hiện từ 0-6 tuổi nhưng năm 2017 hệ thống BHXH thành phố cắt ngang từ ngày 30/12/2017 để đổi số mới, người dân không nắm được, khi đến bệnh viện khám tra cứu vào thẻ thì không thực hiện được, lại đưa về địa phương. Địa phương chỉ kiến nghị thôi chưa không thể chỉnh sửa được nên người dân rất bức xúc. UBND phường cũng đã kiến nghị lên BHXH thành phố nên tuyên truyền chủ trương này cho người dân nắm để lên thay đổi thẻ mới".
Việc thẻ BHYT mới chỉ ghi thời gian bắt đầu có hiệu lực mà không ghi thời gian hết hạn cũng là một điều gây khó cho người dân. Người dân ở vùng nông thôn không có điều kiện về máy móc, mạng internet để tra cứu thông tin trên chính chiếc thẻ BHYT của mình, vì vậy sẽ rất khó để kiểm tra, chủ động mua BHYT đảm bảo thời gian liên tục.
Ông Nguyễn Trần Kiên, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Lạc cho rằng đây là điểm mới và gây khó khăn với người dân khi họ không biết khi nào hết hạn để mua tiếp, nếu quên, thời gian mua sẽ không được liên tục.
Việc sai sót trong cấp phát thẻ BHYT mới, việc BHXH chậm ra văn bản hướng dẫn, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh đã gây ra sức ép rất lớn cho các cơ sở khám chữa bệnh và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân như những trăn trở của bác sỹ Nguyễn Văn Hùng rằng: “Đây là những nút nghẽn mà đến giờ này tôi chưa thật sự yên tâm về thẻ BHYT. Tại sao ngành bảo hiểm không tuyên truyền, giải thích thật sâu rộng, thật thấu đáo cho người dân, cho các cơ sở thực hiện. Một khi chúng ta chưa làm tốt việc tuyên truyền này thì chắc chắn sẽ tác động đến chính sách y tế toàn dân”./.
Theo Lam Hiếu/VOV - ĐBSCL