TS.BS Trương Hồng Sơn: Vấn đề cấp thiết là đào tạo, tập huấn và áp dụng nghiêm các qui trình khám và điều trị để hạn chế tử vong.
Bé 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm kali clorid vào đường tĩnh mạch thay bằng đường uống tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh dù được các bác sĩ và gia đình tận tình cứu chữa nhưng đã tử vong lúc 19h36' ngày 23/1 tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
PV: Thưa Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố y khoa. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Trong vòng 1 năm qua đã có một số các sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra như sự cố ở Bệnh viện Trí Đức, BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh và mới đây nhất là Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Đây là những sự việc nghiêm trọng, gây tử vong cho bệnh nhân.
TS.BS Trương Hồng Sơn
Các sai sót này có thể hạn chế giảm thiểu nếu việc áp dụng chặt chẽ qui trình an toàn người bệnh. Vì vậy, theo tôi, vấn đề đào tạo tập huấn, xây dựng và áp dụng nghiêm túc các qui trình khám và điều trị cần thiết phải được coi là một nhiệm vụ rất cấp bách của tất cả các cơ sở y tế.
PV: Thưa bác sĩ, từ các vụ việc trên cho thấy y tế cơ sở đang có có vấn đề?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Trong những năm qua, ngành y tế Việt Nam đã áp dụng thành công các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe người dân, tăng tuổi thọ và giúp cho nhiều người mắc bệnh nan y có thêm cơ hội sống.
Tuyến y tế cơ sở cũng có rất nhiều thành tích trong phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Tuy nhiên, một trong các thách thức hàng đầu trong lĩnh vực y tế hiện nay là bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn trong môi trường y tế có nhiều áp lực và dây truyền khám chữa bệnh vừa nhiều đầu mối, vừa ngắt quãng. Ở nhiều cơ sở điều trị, việc thiếu về nguồn lực, thiếu và yếu về nhân lực đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Đặc biệt là sự nghiêm túc trong áp dụng các qui định về an toàn người bệnh ở nhiều cơ sở y tế chưa được chú trọng nên đã xảy ra một số hậu quả nghiêm trọng.
PV: Vậy chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở y tế cơ sở nói riêng và ngành y nói chung lấy lại niềm tin cho người dân.?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Khám chữa bệnh là một hoạt động với sự tham gia của nhiều khâu, nhiều yếu tố tác động. Vì vậy muốn nâng cao chất lượng cần có các giải pháp tổng thể. Thứ nhất là cần các giải pháp mang tính hệ thống bao gồm xây dựng các giải pháp an toàn người bệnh với toàn bộ chuỗi hoạt động khám chữa bệnh, xây dựng phương án giám sát và quản lý sai sót. Thứ hai là cần có các giải pháp đối với nâng cao chất lượng của nhân lực bao gồm bác sỹ, dược sỹ…
Với điều dưỡng, cần nghiêm túc thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Kiểm tra thuốc (tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, liều dùng một lần, số lần dùng thuốc trong 24 giờ, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc và đường dùng thuốc so với y lệnh). Kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng của thuốc bằng cảm quan: màu sắc, mùi, sự nguyên vẹn của viên thuốc, ống hoặc lọ thuốc. Thực hiện 5 đúng khi dùng thuốc cho người bệnh: đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng đường dùng, đúng thời gian dùng thuốc…
BV Đa khoa Đông Anh tổ chức họp báo về vụ việc.
Nâng cao chất lượng của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu sự cố y khoa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá dịch vụ do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống cung cấp dịch vụ y tế vì số lượng đông nhất, tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất và số lượng dịch vụ cung cấp nhiều nhất); bên cạnh đó hầu hết các chỉ định của bác sĩ điều trị đều thông qua người điều dưỡng để thực hiện trên người bệnh….
Phòng chống sự cố y khoa cần được coi là một mục tiêu quan trọng và cần được triển khai trên quy mô toàn bộ hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nếu chỉ chỉnh đốn khắc phục các thiếu sót khuyết điểm của cá nhân thì sẽ không thể giải quyết một cách cơ bản và hiệu quả.
Cần thiết có một cơ quan chỉ đạo ở quy mô quốc gia về phòng chống sự cố y khoa như kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã triển khai như Mỹ, Australia, Canada, Malaysia... Ủy ban này sẽ đưa ra các mục tiêu quốc gia về chất lượng và an toàn y tế, đề xuất các chương trình nghiên cứu, các công cụ, xây dựng các báo cáo đánh giá hàng năm và đưa ra các khuyến nghị cho cả các cơ sở y tế nghiên cứu áp dụng.
Việc thiết lập hệ thống báo cáo sự cố y khoa bắt buộc và báo cáo tự nguyện cũng rất cần thiết nhằm có thêm các thông tin để xác định quy mô và chiều hướng của các sự cố y khoa nhằm đưa ra các can thiệp nhằm hạn chế sự cố y khoa.
Chính vì vậy, các cơ sở y tế cần phải thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế với các nội dung xác định chính xác người bệnh, tránh nhầm lẫn khi cung cấp dịch vụ; An toàn phẫu thuật, thủ thuật; An toàn trong sử dụng thuốc; Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; Phòng ngừa rủi ro, sai sót do trao đổi, truyền đạt thông tin sai lệch giữa nhân viên y tế; Phòng ngừa người bệnh bị ngã; và An toàn trong sử dụng trang thiết bị y tế.
PV: Chính sự yếu kém ở y tế cơ sở khiến người dân phải chuyển lên tuyến trên, và dẫn đến sự quá tải và nhiễm khuẩn bệnh viện?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Theo tôi, tình trạng chuyển tuyến liên quan đến nhiều yếu tố tuy nhiên chất lượng khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở có một vai trò quan trọng. Nếu y tế cơ sở nâng cấp được chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh sẽ góp phần giảm tải cho tuyến trên. Việc này không những giảm tải về số lượng bệnh nhân, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện mà còn góp phần giảm nguy cơ của các sự cố y khoa cho toàn hệ thống.
PV: Xin cảm ơn TS.BS!
Theo Thu Thủy/VOV.VN (Thực hiện)