Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết và mất tích (tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung), 654 người bị thương; hơn 8.000 nhà bị đổ, sập; Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng. Các chuyên gia về khí tượng thủy văn nhận xét, 2017 là năm của những kỷ lục về thiên tai.
Mưa trái mùa ở Nam Bộ, nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc
Cơn mưa trái mùa ở TP.HCM vào chiều 1/4/2017 đã nhấn chìm nhiều tuyến đường của thành phố này. (Ảnh: Đăng Lê).
Đầu tháng 4/2017 là thời điểm ở Nam Bộ thường xuất hiện hạn và mặn, tuy nhiên khu vực này lại xuất hiện rất nhiều những cơn mưa lớn trái mùa. Đặc biệt, chiều ngày 1/4, một trận mưa lớn trên diện rộng đã xảy ra, nhấn chìm hàng loạt các tuyến đường lớn ở TPHCM, TP Biên Hòa - Đồng Nai. Tại TPHCM, trận mưa lên tới 162,9mm ở quận Tân Bình - là số liệu chưa từng được ghi nhận trước đó trong mùa khô nơi đây.
Trái ngược với mưa trái mùa ở miền Nam, miền Bắc lại xuất hiện đợt nắng nóng lịch sử vào những ngày đầu tháng 6. Tại Thủ đô Hà Nội trong 3 ngày (2-4/6) xuất hiện nắng nóng gay gắt, đỉnh điểm là ngày 4/6 nhiệt độ lên tới 42,5 độ C (năm 2015 cao nhất 40,8 độ C).
Nhiệt độ ngoài đường nhựa, đường bê tông vào trưa ngày 3/6/2017 tại nội thành Hà Nội lên tới gần 50 độ C. (Ảnh: Minh Thanh).
Tiếp đó là Bắc Bộ bước vào thời kỳ mưa lũ kéo dài từ 4-5 tháng với hàng loạt các đợt lũ quét và sạt lở đất. Trong đó đáng chú ý nhất là trận lũ quét và sạt lở đất ở Mường La – Sơn La và lũ ống Mù Cang Chải – Yên Bái diễn ra vào đầu tháng 8/2017 (từ ngày 2-5/8) đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản: 31 người chết và mất tích, hơn 200 ngôi nhà sập đổ và cuốn trôi.
Lũ ống, lũ quét ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. (Ảnh: TTXVN).
Cây cầu Nậm Păm ở Mường La - Sơn La bị trận mưa lũ đầu tháng 8/2017 làm hỏng 2 bên đầu cầu. (Ảnh: Báo Công thương).
Đến tháng 10 là khoảng thời gian mà không ai nghĩ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn mưa lũ lớn, nhưng từ ngày 9-11/10 mưa lớn bất ngờ xuất hiện ở khu vực này, đã khiến lũ trên các sông lớn nhỏ ở 7 tỉnh miền Bắc, miền Trung (Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) dâng lên rất cao, nhiều nơi vượt báo động 3.
Đặc biệt thời điểm này tại sông Hoàng Long ở Ninh Bình nước lũ dâng lên ở mức kỷ lục mới là 5,53m (trong đó năm 1985 là 5,24m). Thời điểm này, gần 60 hồ thủy lợi, thủy điện đã phải xả lũ. Ngày 11/10, lần đầu tiên hồ thủy điện Hòa Bình phải mở 8 cửa xả lũ. Đợt lũ lớn này đã làm hơn 100 người chết và mất tích, hơn 300.000 ngôi nhà bị ngập sâu.
Đầu tháng 12/2017, hạ lưu các sông ở Nam Bộ triều cường dâng rất cao. Sáng ngày 6/12, lần đầu tiên trong lịch sử tại trạm Phú An ở TPHCM đo được triều cường ở mức 1m71 (tháng 10/2014 là 1m68) khiến nhiều tuyến đường biến thành sông.
Xuất hiện nhiều bão, áp thấp nhiệt đới
Trong năm 2017 có nhiều bão xuất hiện, hình thành trên Biển Đông (16 cơn bão và 4 ATNĐ), trong đó có 5 cơn bão (số 2, 4, 10, 12, 14) và 3 cơn ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào nước ta.
Đặc biệt nghiêm trọng là hai cơn bão số 10 và số 12 với cường độ rất mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14 (rủi ro thiên tai cấp độ 4) đã ảnh hưởng vào khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ - đây là những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực trong vòng nhiều năm và đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất và cơ sở hạ tầng trong khu vực và để lại các hậu quả rất nặng nề.
Bão số 12 và mưa lũ sau bão đã làm 123 người chết và mất tích. (Ảnh: Viết Hảo).
Theo số liệu thống kê của Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT): Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết và mất tích (tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung), 654 người bị thương; hơn 8.100 nhà bị đổ, sập, trôi; gần 353.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; 65.350 con gia súc và 2 triệu con gia cầm bị chết; gần 60.000 ha và gần 42.000 lồng nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại,...
Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (riêng bão số 12 và mưa lũ sau bão đã làm 123 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế khoảng 22.680 tỷ đồng).
Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: Kinh phí ngân sách nhà nước cho khắc phụ hậu quả thiên tai và tái thiết sau thiên tai mặc dù Chính phủ đã rất quan tâm song còn ở mức thấp so với yêu cầu, nguồn kinh phí chủ yếu đang dựa vào ngân sách nhà nước, chưa thực hiện được bảo hiểm rủi ro thiên tai. Việc tiếp nhận hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của xã hội, các tổ chức quốc tế còn nhiều bất cập, đang là những khó khăn lớn của quá trình khắc phục, tái thiết sau thiên tai.
Theo Nguyễn Dương/Dân trí