Nâng cao chất lượng dân số bằng cách thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Hơn 10 năm qua, dân số Việt Nam luôn đạt được mức sinh thay thế, tức là mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con. Do vậy, trọng tâm công tác dân số đã được chuyển từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, tập trung nâng cao chất lượng dân số. Vậy, nâng cao chất lượng dân số, bắt đầu từ đâu?
Truyền thông nâng cao chất lượng dân số đến người dân.
Cách đây hơn 1 tháng, khi đưa con trai 2 tuổi đến bệnh viện cấp cứu vì bị co giật, chị Đỗ Thị Hạnh ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang mới biết con mình bị bệnh động kinh. Trước đó, chị Hạnh chỉ thấy con có chu vi đầu nhỏ hơn gần chục cm so với những đứa trẻ bình thường khác. Được các bác sĩ giải thích, chị mới biết, dị tật đầu nhỏ hoàn toàn có thể được phát hiện bằng kỹ thuật siêu âm thai nhi tại những trung tâm chẩn đoán trước sinh… Cụ thể, 16 tuần đầu mang thai cần siêu âm mỗi tuần, một lần và trong 28 tuần tiếp theo, siêu âm 2 tuần, 1 lần…
May mắn hơn chị Hạnh, chị Huỳnh Thị Lan Anh ở thành phố Hồ Chí Minh phát hiện con bị bệnh bẩm sinh ngay sau khi sinh và được can thiệp kịp thời. Chị Lan Anh cho biết, 7 năm qua, con gái của chị vẫn phát triển bình thường: “Sau khi tôi sinh cháu ra, nhờ xét nghiệm máu gót chân đã phát hiện cháu bị thiếu loại men 6 PD. Cán bộ y tế đã hướng dẫn tôi cho cháu uống thuốc và sử dụng các loại thức ăn phù hợp nên cháu vẫn phát triển bình thường”
Nấc thang đầu tiên đánh giá chất lượng dân số chính là việc đảm bảo một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Thế nhưng, trong số 1,7 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm ở nước ta vẫn có ít nhất hơn 30.000 trường hợp mắc bệnh, tật bẩm sinh như: bệnh đao; dị tật ống thần kinh; suy tuyến giáp; tăng, giảm tuyến thượng thận; tan máu bẩm sinh và nhiều bệnh tật khác…
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp đảm bảo sự phát triển giống nòi của dân tộc.
Những em nhỏ này không chỉ bị thiệt thòi, bất hạnh, mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong khi đó, y học hiện đại đã thực hiện được nhiều kỹ thuật thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và can thiệp sau sinh.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, việc các bà mẹ khám, siêu âm, xét nghiệm định kỳ trong thời gian mang thai sẽ giúp biết được từ 80% đến 90% những bất thường của thai nhi: “Đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đáp ứng được khoảng 40% các trường hợp chẩn đoán trước sinh và gần 90% các trường hợp sàng lọc sau sinh. Trong các bệnh lý trẻ sơ sinh, bệnh viện tiếp cận 3 khái niệm. Thứ nhất về bất thường nhiễm sắc thể thì không thể sửa chữa được. Thứ 2 là bất thường về hình thái thì có thể khắc phục được kể cả sau sinh như sứt môi, hở hàm ếch. Thứ ba là bất thường về chức năng không thể đánh giá được một cách toàn diện trong quá trình mang thai, rất khó tiên lượng và không phải lúc nào cũng điều trị được”
Trong khu vực Đông Á, Việt Nam chỉ đứng sau Nhật Bản về khả năng phát hiện bệnh tật để sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Các trung tâm lớn ở nước ta có thể sàng lọc được 33 loại bệnh liên quan đến chức năng của con người khi được sinh ra. Tuy nhiên, cả nước mới chỉ có gần chục trung tâm thực hiện các dịch vụ này gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Từ Dũ, Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tỉnh Nghệ An…
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, để thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã đề ra đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai cần được tầm soát ít nhất 4 loại bật tật bẩm sinh phổ biến nhất và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
“Ngành y tế sẽ quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới các trung tâm chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đầu tư cơ sở vật chất và hình thành các trung tâm này trên cơ sở các đơn vị y tế hiện có. Bên cạnh đó sẽ tổ chức đào tạo nhân lực để đủ sức thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh. Đặc biệt, ngành y tế sẽ tổ chức mạng lưới dự phòng rộng rãi hơn để sớm phát hiện các nguy cơ bệnh tật từ bào thai và trẻ sơ sinh trong cộng đồng, tiến tới bao phủ rộng hơn số thai phụ và trẻ em sơ sinh được sàng lọc, chẩn đoán sớm” - ông Tân nói.
Ngoài việc ngành y tế hình thành nhiều hơn các trung tâm sàng lọc sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, còn đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm đến phụ nữ mang thai và trẻ em. Muốn nâng cao được chất lượng dân số cần sự đầu tư để nâng cao chất nguồn nhân lực và chính sách an sinh xã hội để đối phó với tình trạng già hóa dân số. Nhưng trước hết, việc đảm bảo cho mỗi đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu vì đó là đảm bảo cho sự phát triển giống nòi của dân tộc./.
Theo Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin