BGTV- Một số văn bản về Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong, sử dụng thuốc thú y trong trong thức ăn chăn nuôi, đất trồng lúa để nuôi trồng thủy sản… là những quy định mới sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2017 này mà bạn đọc cần biết đến.
1. Tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội
Đây là nội dung tại Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong trong cơ sở giáo dục công lập có hiệu lực từ ngày 24/12/2017.
Theo đó, giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
- Đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đang giữ;
- Đã được đào tạo nghiệp vụ công tác Đội cùng chuyên ngành giảng dạy hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đội;
- Có năng lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.
Ưu tiên chọn những giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông để giúp nhà trường tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.
Thời hạn của giáo viên làm Tổng phục trách Đội là 05 năm; hết thời này mà còn đủ tiêu chuẩn và có nguyện vọng muốn làm thì Hiệu trưởng và Hội đồng trường xem xét quyết định.
2. Nguyên tắc lựa chọn dược liệu độc làm thuốc
Theo Thông tư 42/2017/TT-BYT của Bộ y tế thì việc lựa chọn dược liệu độc làm thuốc phải đảm bảo những nguyên tắc sau:
- Bảo đảm an toàn cho người sử dụng;
- Bảo đảm việc tiếp cận thuốc, dược liệu kịp thời cho người sử dụng;
- Phù hợp với thực tế sử dụng, cung ứng dược liệu của Việt Nam;
- Hòa hợp với các nguyên tắc, quy định trong phân loại dược liệu độc làm thuốc của các nước trong khu vực và trên thế giới;
- Phù hợp với các tài liệu y văn về sử dụng dược liệu, kinh nghiệm sử dụng dược liệu độc làm thuốc, cơ sở dữ liệu về dược liệu độc trên thế giới, các bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học và các tài liệu khác có liên quan.
Thông tư 42/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/12/2017.
3. Nguyên tắc sử dụng thuốc thú y trong trong thức ăn chăn nuôi
Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hiệu lực từ ngày 25/12/2017.
Theo đó, việc sử dụng thuốc thú y trong thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm những điều kiện sau đây:
- Thuốc thú y được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi phải nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm;
- Phải có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được Cơ quan thẩm quyền cho phép;
- Phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh/hóa chất, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin trên trong hồ sơ sản xuất;
- Việc kê đơn thuốc thú y được thực hiện bởi bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề;
- Thuốc thú y trộn vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến phải đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng của từng loại thức ăn chăn nuôi.
- Chỉ được sử dụng thuốc thú y trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm; thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa thuốc thú y phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi nhật ký quá trình sử dụng.
4. Cho phép sử dụng tối đa 20% đất trồng lúa để nuôi trồng thủy sản
Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT bổ sung nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản cho Thông tư 19/2016/TT-BNNPTNT như sau:
Được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.
Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 25/12/2017./.
BGTV