Công bố chính thức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản cho thấy, đời sống dân cư nông thôn tiếp tục được cải thiện. Bình quân 100 hộ có 1,44 ô tô; 129,26 xe máy, 11,61 máy giặt; 65,36 tủ lạnh và tủ đá...
Người dân xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu.
Chiều 9-10, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả chính thức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016. Đồng thời, đánh giá khái quát tình hình KT-XH nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011-2016.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, đây là cuộc Tổng điều tra có quy mô lớn được tiến hành trên phạm vi cả nước vào thời điểm 1-7-2016. Cuộc tổng điều tra liên quan tới 8.978 xã và 79.898 thôn; với gần 16 triệu hộ nông thôn và hơn 1 triệu hộ thành thị hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; gần 33,5 nghìn trang trại và nhiều đơn vị điều tra khác.
Đánh về thành tựu phát triển KT-XH nông thôn trong 5 năm qua, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho biết, bộ mặt nông thôn có sự biến đổi sâu sắc, nhất là kết cấu hạ tầng. Trong đó, hệ thống giao thông nông thôn ngày càng thông suốt. Tại thời điểm 1-7-2016, cả nước có 8.927 xã có đường ô tô kết nối UBND xã với UBND huyện (chiếm 99,4% tổng số xã); gần 74,9 nghìn thôn có đường ô tô kết nối với trụ sở UBND xã (chiếm 93,7% tổng số thôn). Đến năm 2016, đã có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt 100% số xã có đường ô tô từ UBND xã tới UBND huyện đi được quanh năm…
Kết quả điều tra cũng cho thấy, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, theo hướng nâng cao dần tỷ trọng ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tại thời điểm 1-7-2016, trên địa bàn nông thôn cả nước có 31,02 triệu người (gần 16 triệu hộ) trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. So với năm 2011, tăng 0,64 triệu hộ, nhưng giảm 0,98 triệu lao động. “Số hộ và số lao động nông thôn trong những năm vừa qua không chỉ biến động về lượng, mà quan trọng hơn là đã có sự chuyển dịch dần sang hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng”, ông Phạm Quang Vinh cho biết.
Tỷ lệ hộ sử dụng nước máy để ăn uống tăng từ 13,2% lên 22,1%. Năm 2016 có gần 5,06 triệu hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn nông thôn, chiếm 31,6% tổng số hộ. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dần sang các hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản thể hiện trước hết ở sự chuyển dịch cơ cấu hộ. Năm 2016, khu vực nông thôn có 8,58 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 53,7% tổng số hộ, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2011); 6,4 triệu hộ phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 40,0% tổng số hộ và tăng 6,6 điểm phần trăm).
Việc phân bổ lao động làm việc trong những năm vừa qua cũng thể hiện việc cơ cấu lại kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể, trên địa bàn nông thôn có 15,94 triệu người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động hoạt động chính là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 51,4%), giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2011; 14,21 triệu người hoạt động chính trong các ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 45,8% ), tăng 6,9 điểm phần trăm; 0,87 triệu người không hoạt động kinh tế (chiếm 2,8%), tăng 1,3 điểm phần trăm.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, bộ máy lãnh đạo và điều kiện làm việc của chính quyền cấp xã được kiện toàn. Tại thời điểm thực hiện tổng điều tra, các xã có gần 38,5 nghìn cán bộ chủ chốt, bình quân mỗi xã có 4,3 người. Trình độ của cán bộ chủ chốt đã nâng lên đáng kể. Tỷ lệ cán bộ có bằng cấp đại học và trên đại học tăng từ 32,3% năm 2011 lên 62,9% năm 2016. Tỷ lệ cán bộ qua các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị tăng từ 97,0% lên 99,0%.
Theo Xuân Phong/Tin tức