Kết quả giám định của các đợt kiểm tra cho thấy nhiều mặt hàng vi phạm về chất lượng như chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố.
Với nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và thất thu ngân sách nhà nước.
Vi phạm tràn lan, tinh vi
2 năm nay, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra trên 51.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; phát hiện và xử lý trên 12.665 vụ việc vi phạm.
Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra, thu giữ số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. (ảnh: K.T).
Theo ông Lê Xuân Lộc, Trưởng ban An ninh và Bảo vệ sở hữu trí tuệ, Công ty Unilever Việt Nam, hiện nay rất nhiều sản phẩm của công ty như: kem đánh răng, bột giặt, dầu gội đầu bị làm giả, làm nhái nhãn hiệu. Để chống hàng giả, công ty không ngừng cải tiến, đổi mới công nghệ, đăng ký và sử dụng tem hợp quy, tem chống hàng giả, mã số, vạch; sử dụng các phụ liệu, nhãn mác được chế tạo tinh xảo nhằm tạo rào cản kỹ thuật khó bắt chước; công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa...
Ông Lê Xuân Lộc cho biết: “Công ty có bộ phận thường trực về chống hàng giả hàng nhái chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và cung cấp thông tin về tình trạng hàng bị làm giả, cách nhận biết hàng thật - hàng giả; sẵn sàng hỗ trợ ngân sách, sát cánh cùng các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm”.
Công tác kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cho thấy: sai phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh; mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng, kinh doanh hàng tẩy xoá hạn sử dụng...
Đáng chú ý, giám định của các đợt kiểm tra cho thấy nhiều mặt hàng vi phạm về chất lượng như chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép cho vào trong thực phẩm chức năng. Riêng với mỹ phẩm, hiện trên thị trường xuất hiện các sản phẩm do cá nhân tự nghĩ ra công thức, pha chế đóng gói, được mua bán kinh doanh chủ yếu trên mạng và thông qua các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, nên công tác quản lý kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Với mặt hàng dược phẩm, tình trạng xách tay các loại thuốc quý hiếm, mua bán thuốc tân dược không có hoá đơn tại các chợ trung tâm và ngay trong các quầy thuốc bệnh viện vẫn tồn tại.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Buôn lậu mặt hàng này thời gian qua trên cả tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không diễn ra rất tinh vi. Các đối tượng lợi dụng loại hình trung chuyển quá cảnh tạm nhập tái xuất. Có trường hợp có tạm nhập có trung chuyển qua chúng ta nhưng đi dọc đường thì tự ý phá công-ten-nơ, đưa hàng vào nội địa tẩu tán, rồi đưa công-ten-nơ rỗng lên cửa khẩu, tập kết hàng từ bên kia biên giới sau đó quay lại bằng các đường mòn lối mở…”.
Lỗ hổng pháp lý
Theo đại diện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, do hiện tại chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội (facebook, Zalo, Instagram...) nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cá nhân, cơ sở kinh doanh online rất khó khăn. Ngoài ra, hệ thống thông tin của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên khó phát hiện được hàng có phép và không được phép lưu hành trên thị trường. Vì vậy, công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mỹ phẩm nhiều loại, không cùng lô...
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nêu rõ: Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó vai trò lãnh đạo của một số người, một số nơi chưa thật sự quyết liệt, thiếu thường xuyên; công chức thực thi nhiều khi còn buông lỏng, làm ngơ cho đối tượng vi phạm...; chính sách pháp luật còn có kẽ hở...
Trước thực tế này, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, để tăng cường đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm, cần phải có sự vào cuộc sát sao, quyết liệt thanh, kiểm tra của nhiều bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Bộ Y tế cần chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện quy định, chế độ chính sách quản lý, cấp phép, công bố tiêu chuẩn chất lượng; ban hành quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đối với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; thông tin công khai về việc cấp phép của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin để lực lượng chức năng có thể tra cứu, khai thác trong quá trình kiểm tra, kiểm soát..../.
Theo Phạm Hạnh/Báo TNVN