BGTV- Những biển quảng cáo chi chít tiếng Anh, bất chấp quy định của Luật Quảng cáo như Mon’s boutique, K-Story Cosmetic… xuất hiện với tần suất dày đặc trên các tuyến phố gây khó khăn cho khách hàng và làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc vì sự lai căng ngôn ngữ.
Mon’s boutique, K-Story Cosmetic…, những biển quảng cáo chi chít tiếng Anh, thậm chí không một chữ tiếng Việt như thế này hiện đang xuất hiện với tần suất dày đặc tại các tuyến phố kinh doanh lớn của thành phố Bắc Giang như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Lưu, Ngô Gia Tự, Lê Lợi…
Ngay cả những con phố nhỏ, có lẽ cả năm không có một khách nước ngoài, cũng nhan nhản biển hiện dùng ngoại ngữ. Thậm chí, những cửa hàng thời trang tôn vinh hàng Việt Nam cũng đặt tên “Made in Viet Nam”.
Biển hiệu quảng cáo dùng tiếng nước ngoài đang xuất hiện với tần suất dày đặc trên các tuyến phố
Lý giải về nguyên nhân lựa chọn sử dụng biển hiện bằng tiếng nước ngoài, chị Nguyễn Thị M (chủ cửa hàng thời trang trên đường Hoàng Văn Thụ) cho biết: “Mặt hàng của mình chủ yếu phục vụ cho giới trẻ nên dùng biển quảng cáo này cho “sang” và hút khách hơn. Tên cửa hàng đọc lên nghe cũng rất Tây”.
Tuy nhiên, đối với những khách hàng lớn tuổi như chị Nguyễn Thị Lan (Xương Giang, thành phố Bắc Giang) thì biển quảng cáo “ngoại lai” lại là điều gây khó chịu: “Tôi không biết tiếng Anh nên nhìn vào biển mà chẳng rõ cửa hàng này bán gì. Nhiều khi phải vào tận nơi hỏi xem có phải thứ mình muốn mua không thành ra rất mất thời gian, công sức”.
Đánh giá về tình trạng sính ngoại này, thạc sĩ ngôn ngữ học Trần Thùy An nhấn mạnh: “Ở Việt Nam mà nơi nào cũng xuất hiện những biển quảng cáo ghi tiếng Anh đã cho thấy sự tự tôn, tình yêu với chữ viết và văn hóa Việt đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc”.
Bên cạnh đó, khi Luật Quảng cáo ra đời, nhà quản lý chưa làm quyết liệt, chưa có những chế tài đủ mạnh. Mặt khác, những biển quảng cáo tiếng nước ngoài vi phạm mà bị nhắc nhở thì cũng chỉ là “ném đá ao béo”.
Biển hiệu quảng cáo “ngoại lai” gây khó khăn cho khách hàng và làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc
Điều 18 của Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Chính vì vậy, không chỉ vi phạm luật quảng cáo với những biển hiệu “không tiếng Việt”, những con phố tràn ngập biển hiệu dùng tiếng nước ngoài trong thành phố Bắc Giang còn gây khó khăn cho khách hàng và làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc bởi sự lai căng ngôn ngữ.
Do đó, thiết nghĩ trong thời gian tới, chính quyền nên có hành động quyết liệt, mạnh tay nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trong thành phố Bắc Giang để chấm dứt tình trạng những biển hiệu quảng cáo “sính ngoại” xuất hiện dày đặc như hiện nay.
An Yên