Tại Việt Nam, hiện có nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến cộng đồng; góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật
Chiều 11-11, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong khuôn khổ chương trình "Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023", Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học Triển vọng hợp tác báo chí, truyền thông Việt Nam - Lào: Thách thức và giải pháp.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Bộ TT-TT; đại diện các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, đại diện Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự Lào tại Đà Nẵng….
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm (bìa phải) và ông Keomanyvong Phosy - Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào - đồng chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm cung cấp thêm thông tin hữu ích, gợi mở những giải pháp thiết thực để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người dân vùng biên; để thông tin và truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đường biên giữa các tỉnh biên giới Việt Nam và Lào.
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), cho biết theo đánh giá của Bộ TT-TT, báo chí Việt Nam đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông. Đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế; từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới.
Theo ông Lợi, báo chí Cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới. Điều này có sự ảnh hưởng vừa tích cực vừa có nhiều biến động trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thách thức, cơ hội của tiến trình chuyển đổi số.
Trước tình hình đó, thực hiện chuyển đổi số, các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện. Thay đổi này bao gồm cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí. Đó còn là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.
Các đại biểu tham gia tọa đàm.
Về kinh nghiệm xử lý tin giả ở Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến cộng đồng.
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng tải nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo. Điều này cũng góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật. Tại Việt Nam, hiện tồn tại tình trạng có rất nhiều thông tin sai lệch, được truyền tải rất nhanh trên các nền tảng mạng xã hội. Thời gian qua, Việt Nam triển khai rất nhiều hành động để phòng, chống tin giả, tin sai sự thật.
Theo Q.Nhật/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-nguoi-xem-khong-gian-mang-la-cuoc-song-thu-hai-20231111174225625.htm