240
/
151624
Thu nhập trung bình gần 7,9 triệu, chi tiêu hơn 11,7 triệu
thu-nhap-trung-binh-gan-7-9-trieu-chi-tieu-hon-11-7-trieu
news

Thu nhập trung bình gần 7,9 triệu, chi tiêu hơn 11,7 triệu

Thứ 3, 08/08/2023 | 14:34:18
2,240 lượt xem

Đây là kết quả khảo sát tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động được công bố hôm nay 8-8.

Thu nhập của người lao động nhiều nơi chưa được đảm bảo - Ảnh: VŨ THỦY

Mức thu nhập trung bình trong khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện này từ gần 3.000 lao động thuộc sáu tỉnh, thành cả nước.

Thu nhập tăng 1 đồng, chi tiêu tăng 2 đồng

Theo khảo sát, thu nhập trung bình của người lao động gần 7,9 triệu đồng/tháng. Trong đó tiền lương cơ bản trung bình 6,065 triệu đồng/tháng.

Nghĩa là lương cơ bản chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng, 23,3% còn lại từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp khác.

Cụ thể, trong số gần 3.000 người lao động được khảo sát, có tới 52,3% làm thêm giờ, số tiền nhận được trung bình 1,35 triệu đồng/người/tháng.

So với kết quả khảo sát tháng 3-2022, mức tiền lương cơ bản chỉ tăng 8,4% nhưng mức chi tiêu lại tăng 19%.

Điều này dẫn đến việc chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống. 

75,5% còn lại nói thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu. Có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu chi tiêu.

Công nhân, lao động cũng không có điều kiện tích lũy. Chỉ 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập, 11,2% không đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác kiếm thêm thu nhập.

Có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Công nhân TP.HCM được hỗ trợ mua hàng bình ổn giá để chia sẻ với thu nhập thấp và khó khăn trong cuộc sống hằng ngày - Ảnh: Q.L.

Công nhân TP.HCM được hỗ trợ mua hàng bình ổn giá để chia sẻ với thu nhập thấp và khó khăn trong cuộc sống hằng ngày - Ảnh: Q.L.

Mỗi người ở chưa tới 10m2 nhưng chiếm gần 1/4 tiền lương

Người lao động phải dùng 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hằng tháng để trả tiền thuê nhà (trung bình hơn 1,8 triệu đồng).

Cũng theo khảo sát, tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định có con của 72% người lao động.

Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì tiền lương thấp. 2,2% chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi. Chỉ 37,7% người lao động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.

Thu nhập còn tác động đến bữa ăn người lao động khi 26,2% số người được hỏi có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hằng ngày. 10,3% người lao động được khảo sát nói với thu nhập hiện nay họ ít khi có điều kiện ăn thịt, cá trong bữa ăn.

Đồng thời có tới 46,5% người lao động chỉ đủ tiền mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh. Trong khi 6,3% người được khảo sát thẳng thắn nói thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chữa bệnh, 6,5% người lao động nói họ vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi.

Với thu nhập và tiền lương như vậy, chỉ gần 30% người lao động hài lòng với tiền lương và thu nhập hiện tại (tăng 9,2% so với khảo sát năm 2022), 56,8% tạm hài lòng (giảm 4,2% so với năm 2022) và không hài lòng là 20,3% (giảm 4,9% so với năm 2022).

12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần. Trong đó người rút nhiều nhất 4 lần, người rút thấp nhất 1 lần.

Cần điều chỉnh lương tối thiểu tăng 11,34%

Các công đoàn cơ sở kiến nghị để đảm bảo mức sống tối thiểu cho gia đình, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 cần tăng 11,34%. Thời điểm điều chỉnh cần cân nhắc phù hợp để giảm thiểu tác động đến người lao động và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khảo sát dự báo năm 2024 vẫn còn tình trạng thiếu hụt đơn hàng khi 17,2% doanh nghiệp khảo sát nói việc thiếu đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 còn tăng hơn so với năm 2023. Cũng có 5,2% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến sẽ giảm quy mô lao động trong năm 2024.

Trước dự báo đó, đơn vị khảo sát kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính để tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người lao động.

Đồng thời có giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của người lao động.

Theo Vũ Thủy/ Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/thu-nhap-trung-binh-gan-7-9-trieu-chi-tieu-hon-11-7-trieu-20230808111406168.htm

  • Từ khóa

Tây nguyên và Nam bộ có mưa rất to, kéo dài nhiều ngày tới

Đêm qua, nhiều nơi ở Tây nguyên và Nam bộ ghi nhận lượng mưa vượt 100mm. Nhờ gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên mưa sẽ kéo dài nhiều ngày tới; mưa và mưa...
15:27 - 19/05/2024
75 lượt xem

Đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1-7

Bộ LĐ-TB-XH vừa có tờ trình đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ...
15:45 - 17/05/2024
1,207 lượt xem

Lương của công chức, viên chức sẽ tăng từ 1/7/2024

Từ 1/7/2024, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương hiện...
11:18 - 16/05/2024
2,145 lượt xem

Lật thuyền trên sông Ba, 3 công nhân thi công cao tốc Bắc - Nam gặp nạn

Ba công nhân thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đang chèo thuyền trên sông Ba để về lán trại nghỉ ngơi thì bị lật thuyền khiến 1 người chết, 2 công nhân...
08:41 - 16/05/2024
2,043 lượt xem

Liên tiếp các vụ ngộ độc: Không “khoán trắng” việc bảo đảm an toàn thực phẩm

Chỉ trong thời gian ngắn, tại nhiều địa phương như: Đồng Nai, Nha Trang, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh… liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm...
07:47 - 16/05/2024
1,941 lượt xem