Trong nhiều kiến nghị đề đạt lên Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hà Nội muốn xin chuyển đổi một số khu tái định cư không dùng đến sang làm nhà ở xã hội.
5 nhóm vấn đề quan trọng được Hà Nội đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc sáng 6/5 giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Cuộc họp bàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Báo cáo đề xuất 5 nhóm vấn đề lớn, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng giúp Hà Nội hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục tạo động lực mới trong quá trình phát triển Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: KTĐT).
Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội nêu 3 kiến nghị, đề xuất về đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; 7 kiến nghị về đường sắt đô thị; 4 kiến nghị về nhà ở; 3 kiến nghị về đất đai và 2 kiến nghị về phân cấp, ủy quyền.
Cụ thể, về dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại Chủ trương đầu tư.
Liên quan đến triển khai dự án thành phần 3 (Dự án PPP), Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND TP là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP và được giao Ban QLDA chuyên ngành TP là chủ đầu tư thực hiện tiểu Dự án, tổ chức triển khai độc lập và song hành với dự án PPP do Nhà đầu tư thực hiện.
Trong việc áp dụng cơ chế đặc thù của Dự án đường Vành đai 4, thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT hướng dẫn cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (Dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Riêng đối với các tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng 7 kiến nghị cụ thể. Trong đó, sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5/2023).
Đối với Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc), Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét, ưu tiên cho TP sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án…
Khu nhà tái định cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) xây dựng xong nhưng bỏ hoang nhiều năm nay (Ảnh: Trần Kháng).
Trong lĩnh vực nhà ở, phát triển nhà ở xã hội, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ cho phép TP được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô ≥ 2ha được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Cùng với đó, cho phép Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội.
Trong phát triển nhà ở tái định cư, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép dừng thực hiện Cơ chế đầu tư thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, cho phép chuyển đổi một số khu nhà tái định cư không dùng đến chuyển sang làm nhà ở xã hội.
Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị...
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-kien-nghi-thu-tuong-chuyen-mot-so-khu-tai-dinh-cu-thanh-nha-o-xa-hoi-20230506134050326.htm