Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó, có nội dung không cho rút bảo hiểm xã hội một lần quá 50% tổng thời gian đóng quỹ hưu trí và tử tuất.
Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung nhiều quy định để nhiều người lao động có lương hưu hơn và giảm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội - Ảnh: NAM TRẦN
Tại dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất tháng 3-2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng cần khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần.
Hai hướng điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần
Ban soạn thảo đang lấy ý kiến rộng rãi hai phương án hưởng, rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định người lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện thì được rút bảo hiểm xã hội một lần. Như vậy, những người này sẽ mất quyền lợi về lâu dài là lương hưu do có thể không tích lũy đủ 20 năm để hưởng hưu trí.
Phương án hai là điều kiện tương tự như phương án một nhưng đề xuất bổ sung mức nhận tối đa của người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần là 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại sẽ được bảo lưu để người lao động hưởng khi đủ tuổi nghỉ hưu. Việc này giúp người lao động có một khoản chi tiêu khi hết độ tuổi lao động, tránh tạo gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,5 triệu người (trên 38% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động).
Giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có hơn 4 triệu người đề nghị và hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tính ra, trung bình 700.000 người rút bảo hiểm một lần/năm. Số lượng năm sau cao hơn năm trước bình quân khoảng 11,6%.
Nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có thể mất quyền lợi cơ bản như lương hưu, bảo hiểm y tế khi về già - Ảnh: GIA ĐOÀN
Chuyên gia: chỉ nên cho phép người lao động rút phần bản thân đóng
Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội 2014, dựa vào mức tiền lương hằng tháng, người lao động phải đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất trong khi doanh nghiệp phải đóng góp 14% vào quỹ này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - nhận định nếu rút bảo hiểm xã hội một lần, ban soạn thảo có thể nghiên cứu việc người lao động được rút 8% mà bản thân đóng.
Còn phần doanh nghiệp đóng (14%) sẽ được bảo lưu khi nào đến tuổi nghỉ hưu mới được rút. “Bởi phần này là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của Nhà nước đảm bảo an sinh về già cho người lao động", bà Hương nêu.
Theo bà Hương, tiền lệ quốc tế cũng không cho người lao động rút bảo hiểm xã hội khi chưa đến hai cột mốc là tuổi nghỉ hưu và đủ số năm đóng để hưởng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần minh bạch, công khai chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người sử dụng lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội.
Trung Quốc, Nhật Bản, Đức không cho rút bảo hiểm xã hội một lần Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, việc nhận bảo hiểm một lần khiến người lao động tiêu hết tiền trong thời gian ngắn hoặc không tính toán được cần chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng. Dẫn khảo sát của Quỹ Bảo trợ người lao động của Malaysia (EPF), ILO cho biết hơn 70% số người rút tiền sớm đã tiêu sạch số tiền nhận một lần từ EPF trong vòng 3 năm. Những người này sau đó phải sống nhờ tiền trợ cấp của chính phủ dành cho người nghèo. Bên cạnh đó, một báo cáo của Hiệp hội An sinh quốc tế (ISSA) và ILO cho hay có nhiều quốc gia không cho phép hưởng bảo hiểm xã hội một lần như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga và Đức. Do vậy, ILO khuyến nghị cơ quan chuyên môn cần bổ sung các quyền lợi hỗ trợ trẻ em, chế độ ngắn hạn để người lao động tự nguyện ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, một khoản trợ cấp cho trẻ em để giảm áp lực nuôi cho cha mẹ, nhất là phụ nữ nuôi con nhỏ giúp người lao động không tính đến số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Qua đó, hệ thống an sinh xã hội vững chắc hơn. |
Theo Hà Quân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/de-xuat-khong-cho-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-qua-50-2023030613060105.htm