Năm 2021, tỉnh Nghệ An có 11.210 người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng, lượng tiền kiều hối bình quân mỗi người gửi về nước đạt từ 15-30 triệu đồng/tháng.
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công tác giải quyết việc làm của tỉnh Nghệ An vẫn vượt kế hoạch đề ra, tiếp tục đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An, năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 40.294 người (vượt 4.66% kế hoạch), trong đó, có 11.210 người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.
Các thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu là Nhật Bản 3.657 người, Đài Loan 4.847 người, Hàn Quốc 647 người, Rumani 448 người…
Tuyến đường làng sầm uất với những dãy nhà cao tầng ở huyện Yên Thành (Nghệ An).
Những địa phương có số người đi xuất khẩu lao động đông gồm: Huyện Nghi Lộc 1.200 người, Diễn Châu 1.075 người, Yên Thành 1.163 người… Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay đi làm việc ở nước ngoài là 56,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, số lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề chiếm khoảng trên 60%, mức kiều hối bình quân gửi về nước từ 15-30 triệu/người/tháng.
Nhiều người lao động sau khi về nước tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có mức thu nhập cao và ổn định nhờ tay nghề tốt.
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc còn có nhiều hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể, trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật của người lao động còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một vài thị trường. Tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật ở nước sở tại vẫn còn xảy ra.
Lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động năng lực còn hạn chế, công tác phối hợp tuyển chọn lao động với chính quyền địa phương vẫn chưa thường xuyên.
Hiện tại, Nghệ An mới chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trực tiếp, còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp ở tỉnh ngoài về tuyển dụng hoặc đặt văn phòng đại diện, điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh. Tình trạng này khiến công tác tạo nguồn gặp nhiều khó khăn và gây tốn kém cho người lao động.
Trong năm 2022, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 42.900 người, trong đó, đưa 13.550 người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Sở LĐ-TB&XH đang tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp như: Khảo sát cung - cầu lao động để có kế hoạch đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động tuyển chọn lao động trên địa bàn; thường xuyên theo dõi, phát hiện để ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần tiếp tục phát triển các thị trường lao động truyền thống, mở rộng thêm nhiều thị trường mới tiềm năng có thu nhập cao.
Phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, các trường, cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động chuẩn bị nguồn lao động đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của phía đối tác.
Theo Phạm Tâm/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/nghe-an-dan-dau-ca-nuoc-ve-so-nguoi-di-xuat-khau-lao-dong-e9KtZBEng.html