Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng kẻ xấu giả danh lãnh đạo tỉnh, ngành, địa phương, đơn vị ở tỉnh Bắc Giang để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người bị hại, có trường hợp đã bị mất hàng trăm triệu đồng.
Nội dung đối tượng giả danh lãnh đạo ngành tỉnh để nhắn tin lừa đảo trên mạng xã hội.
Ngày 10/3, Chị Thân Thanh H, cán bộ ở một huyện của tỉnh Bắc Giang nhận được lời mời kết bạn trên Zalo từ một tài khoản mang tên lãnh đạo một ngành của tỉnh với ảnh đại diện là chân dung đồng chí đó. Thấy vậy, chị H đồng ý kết bạn. Vài phút sau thấy nhắn tin: “Có đấy không?”… “Anh đang họp, nhưng có việc gấp muốn nhờ em xử lý giúp”… “Nếu được, em chuyển cho anh 15 triệu đồng vào số tài khoản…”. “Chút nữa họp xong, anh sẽ chuyển trả”…
Chị H làm theo đề nghị đó. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, chị H thấy nghi ngờ nên gọi điện kiểm tra mới biết đã bị lừa.
Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh Bắc Giang), thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số vụ đối tượng lấy hình ảnh đại diện từ Zalo, Facebook của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, một số sở, ban, ngành tỉnh và địa phương để lập tài khoản Zalo, Facebook mạo danh.
Từ đó, đối tượng gửi lời kết bạn rồi nhắn tin vay mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cán bộ cấp dưới của người bị mạo danh nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một số người đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền thiệt hại từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, hiện đơn vị đang tập trung đấu tranh với những đối tượng có hành vi lừa đảo trên.
Theo Thượng tá Trần Huy Việt, người dân nên cảnh giác với những yêu cầu kết bạn trên mạng xã hội. Để thực hiện hành vi lừa đảo, trước hết, các đối tượng phải gửi yêu cầu kết bạn trên Zalo, Facebook sau đó mới thực hiện các hành vi tiếp theo để nhắn tin lừa đảo. Điểm chung là trên các tài khoản này các đối tượng thường không để số điện thoại. Vì thế, nên cẩn trọng khi đồng ý kết bạn trên Zalo, Facebook, nhất là những tài khoản có hình ảnh người quen nhưng không hiện số điện thoại hoặc người này trước đó đã được kết bạn rồi.
Bên cạnh đó, cần cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền, dù người yêu cầu chuyển tiền tự xưng là bạn bè, đồng nghiệp, người thân bằng cách điện thoại hoặc gặp trực tiếp để xác thực lại.
Khi phát hiện các trường hợp tương tự cần thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Trong trường hợp phát hiện mình bị mạo danh trên mạng xã hội cần nhanh chóng thông báo rộng rãi để người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết, từ đó kịp thời ngăn chặn những hành vi lừa đảo.
Theo Thành Nam/BGĐT
http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/379800/bac-giang-nhieu-lanh-dao-nganh-dia-phuong-bi-mao-danh-lua-dao-qua-mang.html