Trước tình trạng các ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng mạnh, nhiều người dân lo ngại tìm mua dự trữ dụng cụ, thiết bị hỗ trợ phòng ngừa, điều trị Covid-19 khiến một số mặt hàng khan hiếm.
Tìm hiểu tại một số nhà thuốc trên các tuyến đường Nguyễn Thị Lưu, Trần Nguyên Hãn, Lê Lợi (TP Bắc Giang) được biết, mấy ngày qua, lượng người tìm mua dụng cụ, thiết bị, vật tư phòng, chống dịch Covid-19, điều trị bệnh nhân F0 tăng cao.
Khẩu trang được một gia đình tại thị trấn Nếnh (Việt Yên) bày bán trước cửa nhà.
Những sản phẩm được nhiều người dân tìm mua là: Khẩu trang, kit xét nghiệm Covid-19, thiết bị đo nồng độ ô xy trong máu (SpO2). Đáng chú ý, bên cạnh những khách hàng mua để chăm sóc F0 tại nhà thì nhiều người dù chưa sử dụng đến nhưng mua số lượng lớn để dự phòng. Chị Hoàng Thị Quỳnh, ở xã Ngọc Thiện (Tân Yên) nói: “Tôi hỏi mua 10 hộp khẩu trang, vài hộp kit xét nghiệm (mỗi hộp 10 chiếc) để khi nào cần đến có sẵn trong nhà nhưng hiệu thuốc chỉ bán cho số lượng rất ít”.
Ở TP Bắc Giang, anh Phan Hữu Nhiên, đường Nguyễn Cao, phường Ngô Quyền cho biết anh phải đi nhiều cửa hàng thuốc tân dược trên địa bàn mới mua được một chiếc máy SpO2 xuất xứ từ Đức với giá hơn 800 nghìn đồng.
Tìm hiểu trên mạng internet và một số kênh phân phối bán lẻ khác có nhiều thiết bị đo nồng độ ô xy trong máu được rao bán với giá từ 199 - 800 nghìn đồng.
Chiều ngày 21/2, nhà thuốc Ngọc Đông số 10 không còn thiết bị SpO2 để bán cho khách.
Khảo sát tại một số nhà thuốc khác tại TP Bắc Giang, các huyện Việt Yên, Hiệp Hoà cho thấy thiết bị SpO2, kit xét nghiệm đều đang khan hiếm. Chiều ngày 21/2, tại nhà thuốc Ngọc Đông số 10, đường Trần Nguyên Hãn có nhiều khách hàng hỏi mua thiết bị y tế, trong đó có máy đo SpO2 nhưng nhân viên bán hàng cho biết hiện không còn. Một số cửa hàng tân dược trên đường Nguyễn Thị Lưu cũng không có thiết bị này bán.
Còn tại nhà thuốc Tuấn Minh trên đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) chỉ bán duy nhất dòng sản phẩm SpO2 của Đức với giá 450 nghìn đồng/chiếc, không tăng giá so với ngày thường. Tuy nhiên, với kit xét nghiệm, do khan hiếm nên để tránh tình trạng chưa cần đến vẫn mua tích trữ, nhà thuốc Tuấn Minh chỉ bán lẻ từ 3-4 bộ kit cho những khách có nhu cầu thật sự cần thiết.
Máy đo nồng độ ô xy trong máu xuất xứ Đức có giá 450 nghìn đồng/chiếc tại một quầy thuốc ở TP Bắc Giang.
Tùy từng loại kit mà giá bán trên thị trường khác nhau. Một chủ hiệu thuốc cho biết, có nhiều loại kit xét nghiệm trong nước hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vì thế giá cũng chênh lệch khá lớn. Mức bán 1 bộ kit xét nghiệm từ 65-110 nghìn đồng.
Ngoài các cửa hàng thuốc, trên mạng xã hội, nhiều người cũng rao bán khẩu trang, kit xét nghiệm, thiết bị SpO2 kẹp tay, các loại đồ uống, sữa có tác dụng "kháng Covid-19" thậm chí cả thuốc chữa Covid-19 với nhiều mức giá khác nhau càng khiến người dân "khó" lựa chọn sản phẩm an toàn, chất lượng.
Người dân mua kit xét nghiệm Covid-19 tại một nhà thuốc tại thị trấn Nếnh (Việt Yên).
Thị trấn Nếnh (Việt Yên) có hơn 11 nghìn công nhân ở trọ, chưa kể hàng nghìn người dân địa phương đang sinh sống. Trong một tuần trở lại đây, các quầy thuốc, nhà thuốc có nhiều người đến hỏi mua vật tư y tế, chủ yếu là khẩu trang, kit xét nghiệm. Nhân viên cửa hàng thuốc Đạt Mười, tổ dân phố Hoàng Mai 3 nói: "Giá một bộ kit xét nghiệm là 80 nghìn đồng, tăng 10 nghìn đồng/bộ so với những ngày trước đó và hiện không có đủ hàng để bán".
Để ngăn chặn hành vi trục lợi tăng giá một số mặt hàng thiết yếu hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ trước bối cảnh ca nhiễm Covid-19 tăng cao, Sở Y tế yêu cầu các nhà thuốc không được găm hàng, đẩy giá cao hơn so với giá niêm yết. Cam kết kinh doanh sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không được tư vấn sai lệch, thông tin không đúng về chất lượng sản phẩm.
Người dân không tự ý mua thuốc và các loại thực phẩm quảng cáo có tác dụng điều trị Covid-19 trên mạng xã hội. Chỉ mua thiết bị y tế đủ dùng cho gia đình, tránh tích trữ quá nhiều, vô hình chung tạo khan hiếm vật tư y tế.
Theo Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/covid-19/378280/nhieu-thiet-bi-ho-tro-dieu-tri-covid-19-khan-hiem.html