Sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục trong một ngày
Bộ Y tế cho biết những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tăng vọt so với một tuần trước đó. Tình hình dịch ở một số địa phương đang có chiều hướng phức tạp khi số ca mắc tăng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022.
Người dân còn chủ quan
Đáng chú ý, trong 2 ngày 10 và 11-2, số ca mắc tăng vọt, lên hơn 26.000 ca/ngày, cũng là số mắc cao nhất trong nhiều tháng qua.
TP Hà Nội vẫn đứng đầu về số mắc mới với gần 3.000 ca/ngày. Cùng với đó, các địa phương như Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định… đều có số ca mắc đạt kỷ lục trong 1 ngày với hơn 1.000 ca. Tại tỉnh Nghệ An, số ca mắc nhiều ngày hơn 2.000 ca, trong đó rất nhiều trường hợp trong cộng đồng.
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết những ngày sau Tết Nhâm Dần 2022, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tăng nhanh, nhiều ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nguyên nhân là do số người dân trở về từ các vùng có dịch nhiều, mật độ giao lưu, đi lại trong dịp Tết tăng cao.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nghệ An kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: ĐỨC NGỌC
"Để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ, hạn chế tụ tập đông người, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch. Ngoài ra, cần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch Covid-19. Chính quyền, cơ quan chức năng có quyết liệt đến mấy nhưng người dân không có ý thức, vẫn lơ là, chủ quan thì dịch bệnh vẫn lây lan, bùng phát" - ông Chỉnh nói.
Nhận định về tình hình dịch Covid-19, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa, cho biết số ca mắc Covid-19 sau Tết tăng cao do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người già, người lớn và trẻ chưa tiêm vắc-xin… Bên cạnh đó, ở một số địa phương, người dân còn chủ quan, cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ không mắc bệnh nên chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch; tình trạng tập trung đông người vẫn xảy ra, nhất là tại các quán giải khát, điểm tham quan du lịch, nhà hàng, quán ăn…
Số ca tử vong giảm nhiều
PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng số ca Covid-19 gia tăng cũng là bình thường trong bối cảnh các địa phương đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán, người dân trở lại đi làm, đi học; việc tổ chức các lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng… cũng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, một lượng lớn người dân về quê nghỉ Tết, trước lúc trở lại các tỉnh, thành phố khác làm việc đã chủ động đi xét nghiệm để biết kết quả, dẫn đến số ca mắc tăng cao.
Tuy nhiên, ông Phu cho rằng với số ca mắc tăng cao này không đáng lo ngại nếu các địa phương thực hiện tốt việc phủ vắc-xin ngừa Covid-19 và bảo đảm không bỏ sót các đối tượng nguy cơ như: người đang mắc bệnh nền, người cao tuổi, kiểm soát tốt số bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch… Thực tế, trong những ngày qua, dù số ca mắc Covid-19 tăng cao nhưng số ca tử vong giảm nhiều so với thời điểm trước đó.
Bộ Y tế cũng cảnh báo việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron. Vì thế, các địa phương cần thực hiện nghiêm những biện pháp phòng chống dịch và kiểm soát số ca mắc mới, tránh số ca mắc tăng cao quá mức làm tăng số ca nặng, gây quá tải cho hệ thống y tế.
Theo các chuyên gia y tế, trong thời gian tới và nửa đầu năm 2022, dịch Covid-19 sẽ còn phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Omicron được nhận định lây lan nhanh. Do đó, các địa phương cần đẩy nhanh bao phủ vắc-xin cho người dân.
"Với người chưa tiêm, cần nhanh chóng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, đồng thời tuân thủ nguyên tắc 5K để phòng bệnh. Kể cả khi đã tiêm đủ liều vắc-xin, tiêm các mũi bổ sung/nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Những trường hợp này khi nhiễm bệnh, các triệu chứng cũng nhẹ hơn và sẽ khỏi nhanh hơn nhưng phải có ý thức phòng bệnh cho người khác, không để lây bệnh trong cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng" - ông Phu khuyến cáo.
Bộ Y tế cũng đề nghị người dân tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác... cần hạn chế tiếp xúc, đi lại, liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và xét nghiệm Covid-19.
225 ca nhiễm Omicron Bộ Y tế cho biết ngày 12-2, cả nước ghi nhận 27.311 ca mắc Covid-19 tại 60 tỉnh, thành phố, tăng hơn 800 ca so với ngày trước đó. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.402 ca, chiếm tỉ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm. Đến nay, nước ta đã ghi nhận 225 ca nhiễm biến chủng Omicron tại 16 địa phương, TP HCM nhiều nhất với 125 ca. Phần lớn các ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron ở nước ta là nhập cảnh. Đa số không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có ca nặng. Hiện nước ta đã tiêm hơn 185,2 triệu liều vắc-xin Covid-19. 53/63 tỉnh, thành phố tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 10/63 tỉnh, thành phố tỉ lệ bao phủ mũi 2 từ 82%-90%. N.Dung |
Theo Ngọc Dung - Đức Ngọc/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su/so-ca-covid-19-tai-nhieu-dia-phuong-tang-cao-20220212210226126.htm