Bé gái ở xã Thạch Lâm, H.Bảo Lâm, Cao Bằng bị ho sốt, dùng thuốc tại nhà và đi học bình thường. Sau 1 tuần không khỏi, bệnh nhân tử vong, được xác định dương tính với bệnh bạch hầu.
Chưa xác định nguồn lây bạch hầu, có khả năng gây dịch
Ngày 24.11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng cho biết, tại xã Thạch Lâm, H.Bảo Lâm, Cao Bằng vừa ghi nhận 1 ca mắc bệnh bạch hầu đã tử vong là cháu Giàng M. H., 11 tuổi, trú tại thôn Khau Noỏng, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm).
Bạch hầu là một trong các bệnh truyền nhiễm có vắc xin, trẻ nhỏ cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch ẢNH: LIÊN CHÂU
Trước đó, từ ngày 14.11, cháu gái này ho, sốt nhưng vẫn đi học. Sau 1 tuần uống thuốc nhưng không đỡ, bệnh của cháu diễn biến nặng, ngày 21.11, gia đình đưa cháu đến trung tâm y tế huyện để khám và điều trị, nhưng do bệnh quá nặng, H. đã tử vong cùng ngày.
Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế H.Bảo Lâm đã báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng và lấy mẫu dịch họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) xét nghiệm.
Ngày 23.11, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã có kết quả xét nghiệm khẳng định mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh bạch hầu. Sở Y tế Cao Bằng cho biết chưa xác định được nguồn lây cũng như nguyên nhân gây bệnh bạch hầu cho bệnh nhân H.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan mạnh gây dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác: kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, từ 5 - 10% trên tổng số ca bệnh.
Nguy cơ mắc khi du lịch đến vùng có dịch
Sở Y tế Cao Bằng cho biết, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm rõ rệt nhờ triển khai vắc xin phòng bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi và tiêm nhắc vào lúc 18 - 24 tháng tuổi, bệnh vẫn có thể lây lan ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu thấp: trong đó trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.
Có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu là những người không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; bị các rối loạn miễn dịch; sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp, nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo, hoặc đi du lịch đến nơi đang có dịch bạch hầu.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh bạch hầu có thể lây qua đường hô hấp và qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể lây cho người khác thông qua các hình thức nói trên.
Lịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng: Mũi thứ 1: tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) khi trẻ 2 tháng tuổi. Mũi thứ 2: tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib sau mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi thứ 3: tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib sau mũi thứ hai 1 tháng. Mũi thứ 4: tiêm vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván) khi trẻ 18 tháng tuổi. Tại các địa phương nguy cơ cao, trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc mũi thứ 5 với vắc xin bạch hầu giảm liều - uốn ván (Td). (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) |
Theo Liên Châu/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/be-gai-mac-bach-hau-tu-vong-sau-ca-tuan-om-sot-van-di-hoc-185241124182116102.htm