240
/
124050
Đừng tín quá hóa cuồng
dung-tin-qua-hoa-cuong
news

Đừng tín quá hóa cuồng

Thứ 7, 12/02/2022 | 08:57:22
1,584 lượt xem

Mùa xuân diễn ra nhiều lễ hội và các hoạt động văn hóa tâm linh, tạo sự gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, có những đối tượng núp bóng tín ngưỡng để "buôn thần, bán thánh”, hành nghề mê tín dị đoan.

Tốn kém, lãng phí

Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các địa phương không tổ chức lễ hội, người dân cũng có ý thức phòng dịch, không tập trung đông người ở các điểm di tích dịp đầu xuân. Song với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, hay “lễ càng lớn, lộc càng nhiều”, trong tháng Giêng, không ít người vẫn rủ nhau đi cúng lễ. Đây là nhu cầu tâm linh chính đáng nếu được thực hiện đúng nghi thức nhưng một số người lại đặt niềm tin mù quáng, cầu cúng vượt quá giới hạn sinh hoạt tín ngưỡng bình thường, gây phiền hà, lãng phí.

Hoạt động xem bói tại di tích, lễ hội. Ảnh minh họa sưu tầm.

Với quan niệm “đầu năm xin lễ, cuối năm trả lễ”, nhiều người không tiếc tiền sắm lễ vật, vàng mã để cầu được đỗ đạt, nhiều tài lộc... Đặc biệt, với mong muốn hóa giải bớt tai ương, không ít trường hợp “a dua” theo phong trào “dâng sao giải hạn”. Đã thành thông lệ từ nhiều năm, mùng 4 Tết năm nay, chị V.T.A ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) xin phép mẹ chồng đăng ký giải hạn ở chùa gần nhà.

Để bảo đảm an toàn, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19 dịp Tết Nhâm Dần 2022, ngày 28/1/2022, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản yêu cầu các cơ sở khi tổ chức cầu an không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp, mê tín dị đoan. Đặc biệt, tăng cường các buổi lễ cầu an online, lồng ghép với tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác trong phòng, chống dịch Covid-19 tới phật tử và người dân.

Nhưng năm nay xem thầy, cả nhà 5 người thì có 3 người sao xấu nên mẹ chồng chị A nghe theo mấy bạn, quyết định lễ dâng sao phải tổ chức cầu kỳ hơn. Theo dự kiến của bà, ngày 12 tháng Giêng, thay vì “cúng gộp” tại chùa, gia chủ sẽ mời thầy về cúng tại nhà, không sợ dịch bệnh vì tập trung đông người, lại chắc ăn, không lo thầy đọc sai sót tên người nhà. 

Tuy nhiên, chị A chia sẻ: “Tôi là viên chức, chồng làm lao động tự do, kinh tế cũng không mấy dư dả. Trước đây vì chiều mẹ chồng, lại nghĩ cũng là thành tâm nên đóng góp vài trăm nghìn nhờ nhà chùa cúng giúp. Năm nay nếu theo tính toán thì chi phí tổ chức lễ tại nhà tốn đến 5 triệu đồng. Xót ruột quá nhưng vì việc tâm linh nên tôi và chồng không dám có ý kiến”.

Ngoài tục “dâng sao giải hạn”, cũng trong những ngày đầu xuân, nhiều người đi xem bói, xin quẻ để mong biết trước tương lai, thời vận. Xét về tâm lý, những người đi xem bói thường có vấn đề về gia đạo, công việc hay thiếu niềm tin, lo lắng về việc gì đó. Vì thế, họ tìm đến “thần linh”, dễ dàng tin theo lời “phán” mượn danh thần thánh của các "thầy" để rồi bỏ ra cả chục triệu đồng sắm lễ. 

Bà H.T.H ở thị trấn Nếnh (Việt Yên) gần 70 tuổi, có con trai đã 40 tuổi mà vẫn chưa lấy vợ. Mong mỏi có cháu nội bế bồng, bà H tìm đến nhờ thầy N ở huyện Hiệp Hòa. Thầy phán, con trai bà chưa lập gia thất là vì có người âm theo, muốn giải được vong này phải làm lễ trả nợ "tiền duyên". Và theo ý thầy, đã ba năm nay, cứ dịp Tết ra, bà H lại dành một khoản ngót chục triệu đồng mua sắm lễ vật gồm: Xôi, thịt, hoa quả, bánh kẹo, nhiều nhất là vàng mã, hình nhân thế mạng. Bà nói: “Thầy bảo lễ này tùy tâm, không ép nên tốn thế chứ tốn nữa mà con tôi cưới được vợ thì tôi vẫn theo”.

Tránh để “tiền mất, tật mang”

Trong cuộc sống, không phải ai cũng gặp mọi điều thuận lợi. Khi có khó khăn, cảm thấy bất an hay bế tắc, không ít người cho rằng bản thân hay gia đình đang gặp vấn đề về tâm linh, nếu không vững vàng về tư tưởng thì họ rất dễ bị những kẻ hành nghề mê tín dị đoan trục lợi. Trên thực tế, nhiều người mê muội, tin theo lời thầy bói để rồi “tiền mất, tật mang”. 

Như trường hợp anh Đ.V.X ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang), năm ngoái, anh phấn khởi khi xem lịch vạn sự thấy mình thuộc sao Thủy Diệu (theo quan niệm, sao này chiếu mệnh thì sẽ tốt về tài lộc, mang đến sự bất ngờ và may mắn trong công việc). Vì thế, anh và gia đình lên chùa dâng sao. Quá tin vào tài vận do "sao tốt" mang lại nên trong năm, anh không bàn bạc gì với vợ, mang hết vốn liếng cho người quen vay lấy lãi. 

Đến cuối năm, các mối anh cho vay tiền đều khất nợ, thậm chí có chỗ còn mất liên lạc; lãi chẳng có mà gốc cũng không lấy lại được. Vậy là số tiền hai vợ chồng tích cóp bao nhiêu năm giờ có nguy cơ mất trắng.

Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) cho biết từng chứng kiến nhiều lễ cắt tiền duyên hay lễ phả độ chúng sinh vô cùng tốn kém. Nhiều người còn khó khăn vậy mà vẫn phải chạy đôn, chạy đáo lo tiền sắm lễ. Còn về “dâng sao giải hạn”, đây không phải là một nghi lễ của Phật giáo. 

Kinh sách của nhà Phật không đề cập đến sao chiếu mạng vào con người, để nhờ đó mà hưởng phúc hay mang họa, mà phúc hay họa đều do nhân quả của chính người ấy làm nên. "Việc làm lễ giải hạn, cúng cầu, xem bói… chỉ là biện pháp giải tỏa tâm lý nhất thời và phụ thuộc vào mức độ sùng bái của mỗi người chứ không phải cứ bỏ nhiều tiền là phước lộc càng lớn hay vận hạn được hóa giải. Sống hướng thiện, tu tâm tích đức, làm những việc có ích để giữ tâm hồn luôn thanh thản chính là ý nghĩa của việc cúng lễ theo đạo Phật”, Đại đức Thích Thanh Vịnh nói.

Dù là hiện tượng không mới trong đời sống xã hội nhưng việc bài trừ mê tín dị đoan không hề dễ dàng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm, triệt để các hành vi lừa bịp của những đối tượng “buôn thần, bán thánh” ở các địa phương. Quan trọng hơn cả, mỗi người dân hãy tỉnh táo, nhận thức đúng về văn hóa tâm linh để không mắc bẫy, sa đà vào những chiêu trò lừa đảo móc túi của những kẻ đội lốt thầy, bàn.

Theo Tường Vi/BGĐT

http://baobacgiang.com.vn/bg/doi-song/376752/dung-tin-qua-hoa-cuong.html

  • Từ khóa

Đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1-7

Bộ LĐ-TB-XH vừa có tờ trình đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ...
15:45 - 17/05/2024
927 lượt xem

Lương của công chức, viên chức sẽ tăng từ 1/7/2024

Từ 1/7/2024, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương hiện...
11:18 - 16/05/2024
1,834 lượt xem

Lật thuyền trên sông Ba, 3 công nhân thi công cao tốc Bắc - Nam gặp nạn

Ba công nhân thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đang chèo thuyền trên sông Ba để về lán trại nghỉ ngơi thì bị lật thuyền khiến 1 người chết, 2 công nhân...
08:41 - 16/05/2024
1,766 lượt xem

Liên tiếp các vụ ngộ độc: Không “khoán trắng” việc bảo đảm an toàn thực phẩm

Chỉ trong thời gian ngắn, tại nhiều địa phương như: Đồng Nai, Nha Trang, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh… liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm...
07:47 - 16/05/2024
1,650 lượt xem

Vượt qua nỗi đau!

Rạng sáng 12-5, cộng đồng người Việt Nam ở Warsaw choàng tỉnh, bất lực chứng kiến Trung tâm Thương mại Marywilska 44 chìm trong biển lửa
11:00 - 15/05/2024
2,078 lượt xem