Tổng thống Erdogan thách thức Mỹ sau khi Washington cảnh báo sẽ trừng phạt Ankara vì can dự vào xung đột Nagorno-Karabakh và triển khai tên lửa S-400.
"Dù biện pháp cấm vận là gì đi nữa, đừng chậm trễ", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc họp đảng cầm quyền tại thành phố Malatya hôm 25/10, đề cập đến những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ.
Phát biểu được Erdogan đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không can dự trực tiếp vào xung đột vũ trang ở khu vực Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Ankara được cho là đang hỗ trợ vũ khí và chuyên gia quân sự giúp Baku đối phó lực lượng ly khai thân Yerevan.
Erdogan phát biểu trước các nghị sĩ đảng cầm quyền tại thành phố Malatya hôm 25/10. Ảnh: AP.
Tổng thống Erdogan cũng đề cập tới đe dọa trừng phạt của Mỹ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn thử tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất. "Chúng ta từng tham gia chương trình F-35, nước Mỹ đã đe dọa chúng ta. Họ nói 'hãy gửi tên lửa S-400 về Nga'. Chúng ta không phải một quốc gia bộ lạc. Chúng ta là Thổ Nhĩ Kỳ", Erdogan nói với các nghị sĩ.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước lên án Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, vì phóng thử tên lửa S-400 sau nhiều lần cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt nếu các tổ hợp này được kích hoạt. Washington hy vọng Ankara niêm cất S-400, song Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khẳng định sẽ triển khai các tổ hợp tên lửa nhận từ Nga.
"Chúng tôi đã nói rõ ràng về những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn đối với quan hệ an ninh của mình nếu Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt hệ thống S-400", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói.
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Mỹ phải chịu trách nhiệm khi không thể bán được các tổ hợp Patriot cho nước này, đồng thời cho biết việc mua tên lửa S-400 của Nga nhằm đáp ứng yêu cầu an ninh quốc gia.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua hai hệ thống tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017 và được Nga bàn giao vào hồi tháng 1 năm nay. Hai nước đã ký hợp đồng mua bán hệ thống S-400 thứ hai vào tháng 8 và đang thỏa thuận điều khoản tài chính.
Ankara nguy cơ đối mặt với lệnh trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), quy định bất cứ quốc gia nào tham gia giao dịch trên 15 triệu USD với Moskva đều phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ Washington. Thổ Nhĩ Kỳ từng bị loại khỏi chương trình F-35 của Mỹ sau khi mua các tổ hợp S-400, nhưng hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt Mỹ có thể áp dụng với nước này là gì.
Theo Vũ Anh/VnExpress (nguồn AP)
https://vnexpress.net/tho-nhi-ky-thach-my-trung-phat-4182089.html