Không giấu giếm ý định xây dựng một liên minh chống Trung Quốc, các quan chức Mỹ trước đó đề cập khả năng thành lập một liên minh theo hình mẫu NATO tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến thăm Nhật Bản, đây chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Nhà Trắng sau khi Nhật Bản có Thủ tướng mới. Không chỉ khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược quan trọng với Nhật Bản, chuyến thăm cũng nhằm nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Tứ kim cương (bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia) trong việc tăng cường sự hợp tác quốc tế hậu Covid-19 và thúc đẩy lập trường chung để đối phó căng thẳng với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Pompeo dự kiến thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ 4 – 8/10. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump mắc Covid-19, ông Pomeo đã phải cắt ngắn lịch trình và chỉ tới Nhật Bản. Với mục tiêu nhấn mạnh ngay từ đầu, chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ với khu vực, trước hết là cam kết với đồng minh Nhật Bản.
Là những đồng minh lâu năm nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản bất đồng trên nhiều phương diện dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Abe Shinzo, từ cán cân thương mại đến chính sách của Mỹ với Triều Tiên. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Nhật Bản có Thủ tướng mới nên nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với đồng minh Nhật Bản, coi liên minh Mỹ - Nhật là hòn đá tảng hòa bình an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chuyên gia phân tích chính trị Coichi Nakano cũng nhận định, quan hệ với Mỹ sẽ chi phối lớn đến mối quan hệ giữa Nhật Bản và các quốc gia láng giềng khác.
“Kể từ những năm 2000, chính sách ngoại giao của Nhật Bản tại châu Á có liên hệ mật thiết trong mối quan hệ của nước này với Mỹ. Các bước đi của Mỹ sẽ có tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các quốc gia láng giềng châu Á”.
Ngoài nhấn mạnh cam kết với đồng minh Nhật Bản, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Bộ tứ kim cương bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ. Đây là lần thứ 2 hội nghị của Nhóm Bộ Tứ diễn ra sau lần gặp đầu tiên bên lề hội nghị của Liên Hợp Quốc vào năm ngoái. Dự kiến các Bộ trưởng sẽ thảo luận vấn đề hợp tác và trật tự quốc tế hậu Covid-19, sự cần thiết có một phản ứng phối hợp để giải quyết những thách thức đang nổi lên từ đại dịch. Cuộc họp Nhóm bộ tứ cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa bốn thành viên và Trung Quốc tiếp tục gia tăng trên nhiều mặt trận, bao gồm cả thương mại, công nghệ, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia. Không giấu giếm ý định xây dựng một liên minh chống Trung Quốc, các quan chức Mỹ trước đó đề cập khả năng thành lập một liên minh theo hình mẫu NATO tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngay trước thềm cuộc họp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo, xu hướng chủ yếu của thế giới hiện nay là hòa bình, phát triển và hợp tác cùng có lợi. Thay vì hình thành các nhóm độc quyền, cần có sự hợp tác đa phương và đa dạng rộng mở, toàn diện và minh bạch. Bất chấp việc 4 quốc gia đều có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, các quan chức Mỹ cũng thừa nhận, các nước đều chia sẻ giá trị chung nhưng có cách tiếp cận khác nhau, vì vậy, có nhiều khả năng các nước cũng không thể đưa ra một tuyên bố chung sau cuộc họp./.
Theo Phạm Hà/VOV.VN (Tổng hợp)
https://vov.vn/the-gioi/ngoai-truong-my-tham-chau-a-no-luc-xay-dung-lien-minh-kieu-nato-783624.vov