Nữ tỷ phú giàu nhất châu Á Yang Huiyan cùng nhiều quan chức Trung Quốc được cho là bỏ tiền mua hộ chiếu Síp trong khi Bắc Kinh cấm công dân mang 2 quốc tịch.
Theo tài liệu trong cuộc điều tra mang tên "Hồ sơ Síp" của Al Jazeera, hơn 500 người Trung Quốc lấy được quyền công dân Liên minh Châu Âu (EU) trong giai đoạn 2017-2019 nhờ mua quốc tịch của Síp.
500 cái tên này không được công bố toàn bộ, nhưng Al Jazeera cung cấp 8 cái tên tiêu biểu. Trong đó nổi bật là nữ tỷ phú giàu nhất châu Á Yang Huiyan với khối tài sản lên tới 20 tỷ USD. Yang là cổ đông chính của công ty bất động sản Country Garden Holdings. Phần lớn cổ phần của Yang là do được cha bà - một thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CCPPCC) chuyển giao cho con gái vào năm 2007. Tài liệu của Al Jazeera cho thấy Yang được cấp quốc tịch Síp vào ngày 23/10/2018.
Trong số 8 cái tên được hé lộ, Yang cùng với 4 người khác bị liệt vào danh sách "những người có rủi ro về chính trị". Với trường hợp của 5 người này, họ hoặc thành viên trong gia đình nắm giữ các vị trí trong các cơ quan cố vấn lập pháp và chính trị của Trung Quốc.
Nữ tỷ phú giàu nhất châu Á Yang Huiyan. (Ảnh: Forbes)
Ngoài Yang, một cái tên đáng chú ý nữa là Lu Wenbin - đại biểu của Hội đồng Nhân dân thành phố Thành Đô kiêm Chủ tịch Sichuan Troy Information Technology - một công ty mạng máy tính ở Thành Đô. Lu được cấp hộ chiếu Síp vào tháng 7/2019.
Zhang Keqiang - từng là quan chức quốc hội Trung Quốc và bị xử 4 năm tù giam vì tội lừa đảo năm 2011 - được cấp hộ chiếu Síp vào tháng 2/2018. Vợ ông này cũng nộp đơn vào cùng thời điểm.
Chen Anlin - một thành viên CCPPCC tại Vũ Hán cũng có tên trong danh sách này. Chen hiện là giám đốc CECEP Central China Industry Development, công ty con của Tập đoàn Bảo vệ Môi trường và Bảo vệ Năng lượng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Ông này được cấp quốc tịch Síp vào tháng 7/2018.
Fu Zhengjun, cựu thành viên Ủy Ban CCPPCC tại thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang từ năm 2011-2017 có trong tay tấm hộ chiếu Síp vào tháng 11/2017.
Cái tên cuối cùng là Zhao Zhenpeng, một thành viên CCPPCC ở thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông nhập quốc tịch Síp vào tháng 2/2019.
Một số nhân vật Trung Quốc trong "Hồ sơ Síp" của Al Jazeera.
Công dân Trung Quốc có quyền nộp đơn xin thường trú hoặc nhập tịch ở nước ngoài. Tuy nhiên, một khi có quốc tịch nước ngoài, họ có thể sẽ bị tước quyền công dân vì Trung Quốc không cho phép công dân mang 2 quốc tịch.
Năm 2019, một quan chức Trung Quốc bị tước tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Bắc 2 ngày sau khi bị phát hiện mua hộ chiếu của Kitts và Nevis.
Cùng năm, Zhou Yanbo - Chủ tịch một trường tư thục của Trung Quốc bị tước tư cách thành viên trong Ủy ban CPPCC tỉnh Sơn Tây vì che giấu việc được cấp thẻ thường trú nhân tại Canada mặc dù thời gian cư trú của ông này hết hạn vào năm 2018.
Trung Quốc cũng có những quy định đặc biệt đối với các cơ quan chính phủ, các tổ chức công cũng như giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp nhà nước.
Luật mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2020 quy định "nhân viên khu vực công" có thể bị sa thải nếu bị phát hiện có quốc tịch nước ngoài hoặc thậm chí thường trú nước ngoài mà không được chấp thuận.
Theo VTC News
https://vtc.vn/nu-ty-phu-giau-nhat-trung-quoc-va-hang-loat-quan-chuc-len-lut-mua-ho-chieu-sip-ar566104.html