Trung Quốc dường như muốn gửi thông điệp tới Mỹ thông qua hàng loạt động thái cứng rắn của Bắc Kinh tại các điểm nóng trong khu vực gần đây.
Các tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản tập trận trên Biển Đông ngày 23/6 (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Trong cùng một tuần khi các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ xung đột chết người tại biên giới, một trong số tàu ngầm của Trung Quốc đã đi qua vùng biển gần Nhật Bản, khiến một loạt máy bay và tàu được triển khai để theo dõi hành trình bí ẩn của tàu Trung Quốc. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu và ít nhất một máy bay ném bom của Bắc Kinh vẫn hoạt động trên vùng trời Đài Loan gần như hàng ngày.
Khi cả thế giới đang vật lộn với đại dịch Covid-19, quân đội Trung Quốc liên tục có hành vi khiêu khích tại khu vực tranh chấp với các nước láng giềng suốt từ mùa xuân cho tới mùa hè. Các hành động phô diễn sức mạnh quân sự của Bắc Kinh khiến cả châu Á và Mỹ phải lo ngại.
Theo New York Times, động thái hung hăng về quân sự của Trung Quốc đã phản ánh sự tự tin và năng lực ngày càng tăng của Bắc Kinh. Ngoài ra, điều đó cũng cho thấy sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ về một loạt vấn đề như đại dịch Covid-19, số phận của Hong Kong và những vấn đề mà Bắc Kinh cho là quan trọng đối với chủ quyền và tự tôn dân tộc.
Trung Quốc tuyên bố rằng các hoạt động gần đây của nước này đều mang tính phòng vệ. Tuy nhiên, mỗi hoạt động đều làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự, dù cho Bắc Kinh cố ý hay không. Đó là những gì đã xảy ra vào đêm 15/6, khi các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ẩu đả dọc đường biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya.
Đây là vụ xung đột đẫm máu nhất tại khu vực biên giới Trung - Ấn từ năm 1967. Theo giới phân tích Trung Quốc, truyền thông Ấn Độ và tình báo Mỹ, một số binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong vụ đụng độ này, song chưa rõ số lượng cụ thể.
“Tôi nghĩ khả năng xảy ra sự cố quân sự hoặc vô tình nổ súng đang tăng lên”, Tiến sĩ Wu Shicun, giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, phát biểu tại một hội thảo ở Bắc Kinh tuần này.
New York Times nhận định, Trung Quốc từ lâu vẫn hành xử cứng rắn với mục đích bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của nước này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đang hành động với sức mạnh quân sự lớn chưa từng thấy.
“Sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ lớn hơn nhiều so với các cường quốc khác trong khu vực. Điều này đã tạo ra cho Bắc Kinh nhiều công cụ hơn trong tầm tay của mình để thúc đẩy chương trình cứng rắn và hung hăng hơn”, Adam Ni, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc - một tổ chức nghiên cứu tại Canberra, Australia, nhận định.
Cạnh tranh Mỹ - Trung
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc. (Ảnh: CNA)
Quân đội Trung Quốc được cho là vẫn “thua xa” các lực lượng vũ trang Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đã đuổi kịp Washington trong một số lĩnh vực, bao gồm khả năng mở rộng sức mạnh hải quân và triển khai tên lửa chống hạm cũng như phòng không.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội ở Washington, tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc được cho là có ít nhất 335 tàu chiến, trong khi Mỹ chỉ có 285 tàu.
Báo cáo nhận định Trung Quốc đang tạo ra “thách thức lớn đối với năng lực của Hải quân Mỹ trong việc đạt được và duy trì khả năng kiểm soát như thời chiến đối với các vùng biển tại Tây Thái Bình Dương” và đây là “thách thức đầu tiên Hải quân Mỹ phải đối mặt kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.
Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 hồi tháng 1. Một trong số tàu sân bay của Trung Quốc đã di chuyển dọc bờ biển phía đông Đài Loan hồi tháng 4 với sự hộ tống của 5 tàu chiến khác. Tuần trước, các máy bay Trung Quốc nhiều lần xuất hiện trên vùng trời Đài Loan. Trung Quốc cũng lên kế hoạch tổ chức diễn tập quân sự vào tháng 8 với tình huống giả định là chiếm quần đảo Đông Sa.
Trung Quốc cũng mở rộng yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, ngang nhiên thiết lập hai quận đảo để “quản lý” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hồi tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam. Cũng trong tháng này, một tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc đã quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Malaysia, buộc Mỹ và Australia phải đưa 4 tàu chiến tới Biển Đông để theo dõi tình hình.
Tại biển Hoa Đông, sự xuất hiện của một tàu ngầm Trung Quốc vào tuần trước là hoạt động tuần tra đầu tiên được phát hiện kể từ năm 2018, khi các tàu chiến Nhật Bản buộc một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc phải nổi lên. Hoạt động này diễn ra sau khi Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng căng thẳng về việc quản lý quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
“Khi Trung Quốc cho rằng họ đang bị thách thức bởi các tranh chấp chủ quyền trong khu vực, họ sẽ phản ứng bằng động thái rất cứng rắn. Mãi cho tới 10-15 năm gần đây, Trung Quốc mới có đủ khả năng để khẳng định sức mạnh trên biển. Điều này đã cho phép Trung Quốc khẳng định yêu sách của nước này tại biển Đông và Hoa Đông nhiều hơn so với trước đây”, Tiến sĩ Taylor Fravel, giám đốc Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts và là chuyên gia về quân đội Trung Quốc, cho biết.
Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động tuần tra trong khu vực. Tướng Charles Q. Brown Jr, tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ và sắp trở thành Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, ngày 24/6 cho biết Trung Quốc trước đây chỉ thỉnh thoảng triển khai máy bay ném bom H-6, còn bây giờ họ làm điều này gần như hàng ngày.
Các máy bay ném bom H-6 được Trung Quốc cải biến và trang bị các tên lửa mới từng được Bắc Kinh trình làng tại lễ duyệt binh hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuy vậy, sức mạnh quân sự cũng như khả năng sẵn sàng tác chiến của Trung Quốc vẫn chưa được thử nghiệm trên thực tế. Vụ xung đột với Ấn Độ gần đây rốt cuộc cũng chỉ là vụ ẩu đả bằng đá và gậy, chứ không phải vũ khí hiện đại.
Về phần mình, Mỹ cũng tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực. Mỹ đã đưa các tàu chiến qua Biển Đông và tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan cũng như lực lượng vũ trang Đài Loan. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23/6 cho biết Washington chuẩn bị bán các máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan.
Trung Quốc vẫn đổ lỗi cho Mỹ về việc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tiến sĩ Zhu Feng, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc, cảnh báo nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung gia tăng khi chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ nóng lên. Ông Zhu cho rằng Mỹ muốn kiềm tỏa Trung Quốc trong 2 vấn đề chính là Biển Đông và Đài Loan.
Theo Dân trí
(Nguồn New York Times)
https://dantri.com.vn/the-gioi/thong-diep-gui-my-sau-dong-thai-cung-ran-cua-trung-quoc-trong-khu-vuc-20200626164329880.htm