Thế giới ghi nhận gần 352.00 người chết trong gần 5,7 triệu ca nhiễm nCoV với điểm nóng mới là Brazil, trong khi nhiều nước từng bước tái mở cửa.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 5.676.850 ca nhiễm và 351.599 ca tử vong, tăng lần lượt 95.560 và 4.069 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.426.164 người đã bình phục.
Nhân viên y tế đưa người nhiễm nCoV nhập viện tại thành phố Breves, Brazil hôm 25/5. Ảnh: AFP.
Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, là 1.724.504 và 100.510, tăng lần lượt 18.836 và 728 trường hợp. Số ca nhiễm mới hàng ngày giảm nhẹ, nhưng số ca tử vong lại tăng so với một ngày trước đó.
Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết bang này ghi nhận thêm 73 người chết vì nCoV, mức tăng thấp nhất trong ngày. Số ca nhập viện và đặt nội khí quản mới cũng đều giảm. Cuomo tuyên bố trọng tâm hiện nay là tái mở cửa nền kinh tế của thành phố New York.
Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở những mức độ khác nhau. Tổng thống Donald Trump cũng cho phép tụ tập tối đa 10 người, miễn là duy trì quy tắc cách biệt cộng đồng. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ lễ đầu tiên sau phong tỏa, người dân Mỹ không đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách khi đổ ra các bãi biển, công viên.
Brazil ghi nhận thêm 1.111 ca nhiễm và 100 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 377.780 và 23.622, tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Hôm 25/5, lần đầu tiên số ca tử vong vì nCoV trong vòng 24 giờ ở Brazil cao hơn Mỹ. Tình hình này dường như thúc đẩy Nhà Trắng áp dụng lệnh cấm nhập cảnh từ Brazil sớm hơn dự kiến, bắt đầu từ 23h59 ngày 26/5.
Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington, Mỹ, cảnh báo tổng số ca tử vong tại Brazil có thể tăng gấp 5 lần, lên mức 125.000 người vào đầu tháng 8. Giám đốc IHME Christopher Murray kêu gọi nước này tiến hành các biện pháp giống Trung Quốc, Italy, hay New York, nhằm kiểm soát đại dịch và giảm thiểu lây lan virus.
Tuy nhiên, bất chấp tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn gọi Covid-19 là "cúm vặt" và thường xuyên xem nhẹ các rủi ro. Ông kiên quyết phản đối lệnh phong tỏa do một số chính quyền địa phương ban hành, bởi lo ngại tác động kinh tế do dịch bệnh.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 174 người chết vì nCoV, mức tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 3.807. Số ca nhiễm cũng tăng thêm 8.915, lên 362.342 trường hợp. Tuy nhiên, số ca bình phục trong một ngày cũng tăng kỷ lục với 12.331 người.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cho biết nước này "có thể xem là đã qua đỉnh dịch", đồng thời quyết định tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít vào ngày 24/6 tại Moskva và nhiều thành phố khác. Ông yêu cầu quân đội duy trì cấp độ an toàn cao nhất, loại bỏ mọi rủi ro có thể xảy ra với người tham gia sự kiện.
Phần lớn các nước châu Âu đã qua đỉnh dịch. Tây Ban Nha ghi nhận 283.339 ca nhiễm và 27.117 ca tử vong, tăng lần lượt 859 và 280. Nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn nCoV từ hôm 25/5. Madrid và Barcelona, hai thành phố được cho là áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, đã cho phép mở cửa công viên và quán cà phê ngoài trời. Tuy nhiên, các nhân viên y tế Tây Ban Nha hôm 25/5 biểu tình do thiếu thiết bị bảo hộ, thiếu nhân lực và kiệt sức.
Anh ghi nhận 265.227 ca nhiễm và 37.048 ca tử vong, tăng lần lượt 4.043 và 134. Giới chức Anh cho biết những người nhập cảnh vào nước này kể từ 8/6 sẽ bị cách ly trong hai tuần, ai vi phạm có thể bị phạt tới hơn 1.200 USD.
Anh ghi nhận số người chết vì nCoV cao thứ hai thế giới sau Mỹ, khiến chính phủ bị chỉ trích vì không kiểm soát biên giới và áp dụng những biện pháp phòng dịch sớm hơn. Nước này đang thử nghiệm một ứng dụng giúp truy vết tiếp xúc trên điện thoại, nhằm xác định tốt hơn các ca nhiễm và theo dõi sự lây lan của virus.
Italy ghi nhận thêm 397 ca nhiễm và 78 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 230.555 và 32.955. Hơn 2,2 triệu người đã được xét nghiệm trong khoảng 60 triệu dân. Chính phủ Italy dự kiến cho phép tự do đi lại từ ngày 3/6, tái mở cửa toàn bộ sân bay, biên giới với các nước láng giềng và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.
Ca nhiễm và tử vong do nCoV tại Pháp hiện là 182.722 và 28.530. Số ca tử vong mới là 98, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp con số này thấp hơn 100, làm dấy lên hy vọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua công bố kế hoạch trị giá 8,8 tỷ USD để vực dậy ngành công nghiệp ôtô của đất nước sau những thiệt hại nặng nề vì đại dịch.
Đức ghi nhận thêm 499 ca nhiễm và 70 ca tử vong vì nCoV, nâng số người nhiễm và chết do đại dịch ở quốc gia này lên 181.288 và 8.498. Thủ tướng Angela Merkel hôm qua tuyên bố Đức sẽ kéo dài các biện pháp cách biệt cộng đồng nhằm ngăn nCoV lây lan đến ngày 29/6. Theo quy tắc thống nhất giữa chính phủ và 16 bang, tối đa 10 người được phép tụ tập nơi công cộng, nhưng người dân nên cố gắng tiếp xúc với ít người nhất có thể.
Peru là vùng dịch lớn thứ hai tại khu vực Mỹ Latinh, tâm dịch mới của thế giới, với 129.751 ca nhiễm và 3.788 ca tử vong, tăng lần lượt 5.772 và 159 trường hợp. Hệ thống y tế nước này đang bên bờ vực sụp đổ, khi các bệnh viện công phải đối mặt tình trạng thiếu thiết bị nghiêm trọng, trong khi nền kinh tế tê liệt.
Peru áp lệnh phong tỏa từ ngày 16/3, là một trong những nước áp lệnh phong tỏa sớm nhất Mỹ Latinh. Chính phủ cũng tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và huy động cảnh sát, quân đội thực thi kiểm dịch. Tuy nhiên, tình hình ngày càng trầm trọng, được cho là bởi ý thức tuân thủ của người dân rất thấp.
Chile và Mexico là hai vùng dịch lớn tiếp theo tại khu vực. Chile ghi nhận 77.961 ca nhiễm và 806 ca tử vong, trong khi Mexico ghi nhận 71.105 ca nhiễm và 7.633 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong ở Chile thấp, trong khi tỷ lệ tử vong tại Mexico cao hơn nhiều do bệnh nhân mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì.
Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 1.787 ca nhiễm và 57 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 139.511 và 7.508. Chính phủ Iran đang tiếp tục nới lỏng những biện pháp hạn chế Covid-19, với động thái mới nhất là cho phép các nhà hàng tiếp nhận thực khách, lưu ý thêm rằng cần tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn, như giữ khoảng cách 2 m.
Arab Saudi ghi nhận thêm 1.931 ca nhiễm và 12 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 76.726 và 411. Nước này hôm qua tuyên bố các nhà thờ Hồi giáo sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 31/5, trừ khu vực thánh địa Mecca. Các biện pháp giới nghiêm chặt chẽ bắt đầu áp dụng hồi tháng 4 cũng sẽ được nới lỏng dần dần từ ngày 28/5. Chính phủ còn quyết định nối lại các chuyến bay nội địa, nhưng một số dịch vụ như phòng gym, rạp chiếu phim, trung tâm làm đẹp vẫn phải đóng cửa.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 779 ca nhiễm và 5 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 31.086 và 253. Hôm 25/5, UAE tuyên bố đã tiến hành hơn 2 triệu xét nghiệm trên toàn quốc và các biện pháp chống Covid-19 cũng đang được nới lỏng. Tại Dubai, chính quyền đưa ra kế hoạch tái mở cửa rạp chiếu phim, phòng gym và các dịch vụ giải trí từ hôm nay.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 150.793 ca nhiễm và 4.349 ca tử vong, tăng lần lượt 5.843 và 177. Tỷ lệ tử vong tại nước này là 0,3/100.000 người, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4,4 của thế giới. Tuy nhiên, việc hàng triệu lao động di cư trở về từ các thành phố lớn khiến chính quyền lo ngại về tình trạng đại dịch lây lan qua các ngôi làng không có nhiều điều kiện chăm sóc y tế.
Tại Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 32.343 ca nhiễm, tăng 383, trong đó 23 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Nước này hôm qua công bố gói kích thích kinh tế thứ tư trong vòng vài tháng, trị giá 23,22 tỷ USD, giữa lúc đối mặt với suy thoái kinh tế sâu sắc nhất trong lịch sử.
Indonesia xếp thứ hai với 23.165 ca nhiễm và 1.418 người chết, tăng lần lượt 415 và 27. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV nào.
Theo Ánh Ngọc/VnExpress
Nguồn CNN, AFP, Reuters
https://vnexpress.net/gan-352-000-nguoi-chet-vi-ncov-toan-cau-4105660.html