Người dân Singapre những ngày qua cũng ngỡ ngàng và bàng hoàng không kém khi số ca nhiễm tăng phi mã từ mốc 1.000 ca của ngày đầu tháng 4 lên trên 10.000 ca tính tới sáng 23/4.
Người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại một chợ ở Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng loạt câu hỏi "Điều gì đang xảy ra ở Singapore? Sao lại thế?" đang được đặt ra khi Đảo quốc Sư tử từ chỗ từng được đánh giá là "hình mẫu" kiểm soát virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong giai đoạn đầu dịch mới xuất hiện, nay đang có nguy cơ trở thành "tâm dịch" mới khi số ca nhiễm hiện là cao nhất khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm 10 nước châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Người dân Singapre những ngày qua cũng ngỡ ngàng và bàng hoàng không kém khi số ca nhiễm tăng phi mã từ mốc 1.000 ca của ngày đầu tháng 4 lên trên 10.000 ca tính tới sáng 23/4.
[Dịch COVID-19: Số ca nhiễm tại Singapore vượt mốc 10.000]
Hàng loạt giả thuyết cũng được đề cập: Phải chăng Singapore đã coi thường "ngòi nổ" tại các khu lao động người nước ngoài? Phải chăng đã sai lầm khi không khuyến cáo người dân đeo khẩu trang từ đầu? Hay phải chăng phong tỏa sớm sẽ không dẫn tới thực trạng hiện nay?
Đó là những câu hỏi, tất nhiên còn nhiều hơn thế, mà người dân Singapore đặt ra khi họ nhìn vào các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.
Từ lời cảnh báo bị lãng quên...
Tâm dịch tại Singapore hiện nay là từ các khu nhà ở của lao động nước ngoài với tổng cộng 8.094/10.141 ca mắc COVID-19, chiếm 80%. Singapore có 43 khu nhà ở quy mô lớn và hơn 1.200 khu nhà ở hoán cải quy mô nhỏ hơn, với tổng cộng 323.000 lao động.
Môi trường sống tại đây chật chội, một số nơi không bảo đảm vệ sinh và sự chậm trễ cách ly là nguyên nhân dịch bệnh bùng phát. Nhưng liệu sự bùng phát đó có xảy ra nếu như Singapore triển khai sớm cách biện pháp cách ly và giãn cách mật độ tại các khu này?
Câu trả lời là có. Thực tế, đã có những khuyến cáo từ giữa tháng 3 về nguy cơ này khi xuất hiện các ca nhiễm trong lao động nước ngoài tại một số công trường và từ trung tâm mua sắm Mustafa Centre nằm trong khu Tiểu Ấn (Little India), địa điểm ưa thích của lao động nước ngoài.
Lao động nước ngoài được kiểm tra y tế nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: THX/TTXVN)
Có điều, đề xuất "giãn dân" khi đó khó khả thi vì khó có thể xây dựng kịp các khu ở mới. Trong khi, tại thời điểm đó, Singapore đang quá tập trung và dường như ưu tiên hơn cho việc cách ly làn sóng công dân từ nước ngoài về.
Thế nên, đầu tư nguồn lực tài chính, nhân lực để ngăn chặn trước nguy cơ từ các khu nhà ở đó có lẽ không được chú trọng.
Tất nhiên, những người trong cuộc cũng có cơ sở để bảo vệ quyết định của mình. Theo lời Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong thì tất cả các ca nhiễm là lao động nước ngoài trong tháng 2 đều đã được "kiểm soát thành công và không bùng phát thành điểm dịch."
Có thể hiểu, chính vì thế mà giới chức Singapore cho rằng không có lý do gì để lo ngại về các ca nhiễm mới từ lao động nước ngoài xảy ra trong tháng 3 và mọi việc vẫn "trong tầm kiểm soát."
Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Singapore, nhận định đánh giá của giới chức Singapore cho thấy các biện pháp thực thi khi đó như xét nghiệm, theo dấu và khoanh vùng cách ly là đủ. Ông cũng cho rằng khủng hoảng hiện nay tại các khu nhà ở đó là hệ quả của "sự kiện siêu lây nhiễm" rất khó có thể dự báo được.
... đến khái niệm phong tỏa "cầu dao tổng"
Một chủ đề nóng với những thảo luận chưa có hồi kết là việc phong tỏa sớm hơn, toàn diện hơn, cho học sinh nghỉ học sớm hơn, có giúp Singapore ngăn chặn cuộc khủng hoảng hiện nay hay không, khi số ca nhiễm những ngày qua luôn ở mức 4 con số?
Ở Singapore, khái niệm "phong tỏa" được sử dụng bằng một thuật ngữ nhẹ nhàng hơn là "cầu dao tổng."
Chiều 3/4, Thủ tướng Lý Hiển Long đã thông báo quyết định phong tỏa một phần đất nước bắt đầu từ ngày 7/4 và học sinh sẽ nghỉ học từ 8/4. Trước đó, có thông tin nói rằng lẽ ra Singapore áp dụng biện pháp này từ ngày 13/4, song đã đẩy sớm do tình hình dịch bệnh.
Giao thông thưa thớt tại một tuyến phố ở Singapore khi lệnh cách ly xã hội được ban bố do dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giáo sư thỉnh giảng Annelies Wilder-Smith tại Đại học Công nghệ Nam Dương cho rằng với thực tế các nước như Singapope hay New Zealand, việc phong tỏa toàn diện là hoàn toàn khả thi và có thể giúp ngăn chặn lây nhiễm.
Bà Wilder-Smith nhận định, cách đây 4 tuần, tất cả các nước nên phong tỏa, tuy nhiên, thế giới đã đánh mất thời điểm đó.
Trong khi đó, Giáo sư Teo Yik Ying lại có quan điểm khác, cho rằng dữ liệu lây nhiễm những ngày đầu cho thấy phong tỏa là không cần thiết.
Theo ông Teo Yik Ying, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng cùng lắm mới lên tới 2 con số, việc phong tỏa sẽ giống như "dùng búa để tách quả hạch," gây gián đoạn không cần thiết cho đời sống hằng ngày khi mà các ca nhiễm vẫn có thể kiểm soát được thông qua các biện pháp theo dấu, xét nghiệm và cách ly.
Trở lại câu chuyện Singapore, giới chức nước này đã quyết định không phong tỏa sớm là vì triển khai cách tiếp cận theo tình huống trong kiểm soát dịch COVID-19. Tức là các biện pháp được đưa ra dựa trên thực tế diễn biến dịch bệnh. Nói cách khác là "nước tràn tới đâu tát tới đó." Cách tiếp cận này được nhiều người cho là thiếu quyết đoán và gây nhiều bối rối.
Nhiều người cũng cho rằng ở một đất nước như Singapore, nơi tàu điện ngầm và xe buýt là phương tiện đi lại chính, thì việc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở địa điểm công cộng là cần thiết.
Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào thực tế kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các nước như Việt Nam, Hàn Quốc, những nơi khẩu trang đuợc sử dụng thường xuyên.
Hiện nay ở Singapore, quan điểm về sử dụng khẩu trang đã thay đổi 180 độ. Đích thân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã khuyến khích người dân Singapore đeo khẩu trang, thay vì “chỉ người bệnh mới nên đeo” như trước đây.
Lý giải cho vấn đề này, giới chức Singapore nói rằng ngoài việc thực hiện theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về khẩu trang, thì ở Singapore, quan điểm nên ưu tiên khẩu trang cho các nhân viên tuyến đầu xuất phát từ thực tế nguồn khẩu trang tại đây khá hạn chế.
Một lý do nữa là quyết định đưa ra được dựa trên tình hình thực tế lây nhiễm. Tính tới ngày 24/3, lây nhiễm hằng ngày trong cộng đồng tại Singapore vẫn ở mức 1 con số. Vì thế, giới chức Singapore ban đầu không chú ý tới vấn đề đeo khẩu trang như một biện pháp ngăn chặn lây nhiễm.
Đến nay, Singapore đã đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và trường học, tập trung lực lượng khoanh vùng, cách ly các khu nhà ở của lao động nước ngoài, tăng cường xét nghiệm diện rộng để phát hiện và kịp thời cách ly, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện phong tỏa tới ngày 1/6 để phá chuỗi lây nhiễm ẩn trong cộng đồng.
Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là liệu hệ thống y tế của Singapore có quá tải khi mà số ca xuất viện mỗi ngày vẫn còn khiêm tốn? Tới nay, mới có 896 ca nhiễm hồi phục, xuất viện và hiện vẫn còn 9.233 ca nhiễm đang phải điều trị, trong đó có 25 ca phải điều trị tích cực.
Không thể phủ nhận Singapore có tiềm lực y tế rất mạnh. Tính đến cuối năm 2019, nước này có 11.321 giường bệnh, trong đó 9.400 giường tại các bệnh viện công. Theo số liệu thống kê tính đến hết năm 2018, Singapore có 13.766 bác sỹ, tương đương 2,4 bác sỹ/1.000 dân và 33.614 y tá.
Thế nhưng, số bệnh nhân gia tăng mạnh đã khiến các bệnh viện quá tải và hiện Singapore đã phải thiết lập các bệnh viện dã chiến bên ngoài để giảm tải. Việc tăng cường xét nghiệm diện rộng cũng khiến Singapore lâm vào tình trạng thiếu hụt bộ thử. Không chỉ vậy, một số trang thiết bị y tế thiết yếu khác và thuốc điều trị cũng bắt đầu có dấu hiệu thiếu hụt.
Các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội cần thời gian mới phát huy hiệu quả. Với thực trạng hiện nay, các chuyên gia nhận định số ca nhiễm mới sẽ còn tiếp tục tăng và có thể sẽ nhanh chóng đạt ngưỡng 20.000 vào cuối tháng 4/2020.
Tất nhiên, sẽ chỉ là con số đó nếu như các biện pháp ngăn chặn mà Chính phủ Singapore triển khai phát huy tác dụng và cần ít nhất 99,9% người dân nước này tuân thủ, chứ không phải là con số 90% như hiện nay./.
Theo Lê Dương/TTXVN
https://www.vietnamplus.vn/giai-ma-su-bung-phat-dich-covid19-tai-singapore/636425.vnp