Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang điêu đứng vì virus corona chủng mới bùng phát dữ dội, Trung Quốc tuyên bố đã khống chế được dịch với số ca nhiễm mới và tử vong liên tục giảm mạnh.
Đài CGTN trích dẫn báo cáo ngày 23/3 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho hay, nước này chỉ có thêm 39 ca nhiễm mới Covid-19 và 9 trường hợp tử vong vì dịch trong vòng 24 giờ qua. Đáng nói, tất cả những ca nhiễm mới đều là các công dân hồi hương hoặc du khách từ nước ngoài nhập cảnh vào đại lục gần đây.
Các ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày ở Trung Quốc so với phần còn lại trên thế giới. Nguồn: WHO
Thống kê đánh dấu xu hướng gia tăng số ca "nhập khẩu" virus corona chủng mới vào Trung Quốc hơn một tuần qua, trong khi số ca lây nhiễm nội địa giảm xuống còn rất ít, thậm chí có lúc bằng 0 như ba ngày liên tiếp 18 - 20/3 và trong ngày 22/3.
Giới quan sát đánh giá đây là một điều rất ấn tượng khi nhiều quốc gia châu Âu và các "điểm nóng" khác về dịch trên thế giới như Mỹ hay Iran đang rơi vào hỗn loạn trước sự gia tăng chóng mặt số trường hợp nhiễm mới Covid-19, lên tới mức hơn 1.000 người/ngày. Chỉ cách đây một tháng, tỉ lệ nhiễm virus ở đại lục vẫn còn ở mức trên dưới 2.000 ca mỗi ngày.
Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc khẳng định, thành công bước đầu như trên chứng minh các biện pháp dập dịch của họ đã phát huy hiệu quả. Bắc Kinh cũng bắt đầu tuyên truyền về những nỗ lực "xoay chuyển tình thế" thành công cả trong và ngoài nước.
Mặc dù dư luận quốc tế vẫn còn nhiều tranh cãi về các tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, nhưng không ai có thể phủ nhận cuộc chiến chống Covid-19 ở đại lục đang tiến triển tích cực. Sau một thời gian tìm hiểu, giới quan sát đã bắt đầu chỉ ra những yếu tố giúp Trung Quốc có thể tránh "vỡ trận" vì dịch.
Phong tỏa diện rộng, kiểm soát chặt
Kể từ ngày 23/1, Chính phủ Trung Quốc đã cho phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, nhằm ngăn ngừa mầm bệnh chết người lây lan. Theo đó, thành phố với 11 triệu dân phải cho tạm ngưng hoạt động toàn bộ hệ thống giao thông công cộng, khuyến cáo người dân không nên đi đâu trong tuần lễ đón Tết Nguyên đán.
Một con đường tại Vũ Hán bị chặn sau khi thành phố áp lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters
Song, khi tình hình dịch tiếp tục trở nên trầm trọng, với 96% tổng số ca tử vong và đa số trường hợp dương tính với virus corona chủng mới trên toàn quốc là ở Hồ Bắc, nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp phong tỏa trên cả tỉnh từ ngày 10/2, bao gồm quyết định cấm mọi hoạt động di chuyển của người dân trong địa bàn.
Tất cả các trường học, rạp hát, rạp chiếu phim và các dịch vụ “không cần thiết” đều bị đóng cửa. Các nhà máy và công ty cần phải nhận được giấy phép đặc biệt mới được tiếp tục hoạt động. Tất cả các hiệu thuốc đều phải ghi lại từng đơn hàng mua thuốc cảm cúm, sốt hoặc ho, bao gồm tên thật của khách, số điện thoại, căn cước và địa chỉ.
58 triệu dân của tỉnh miền trung Trung Quốc bị cấm rời khỏi nơi cư trú. Mỗi hộ gia đình chỉ được phép có một người được ra ngoài hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm. Không phương tiện giao thông nào lẫn khách khứa được phép ra vào các khu dân cư, trừ trường hợp "vô cùng cấp thiết". Chỉ có xe cảnh sát, xe cứu thương, xe công vụ và những phương tiện vận chuyển hàng hóa được coi là thiết yếu mới được phép lưu thông trên các tuyến đường của tỉnh.
Đến giữa tháng Hai, khi dịch Covid-19 vẫn không ngừng lan rộng, hơn 50 thành phố khắp đại lục đã tuyên bố "nội bất xuất, ngoại bất nhập" như Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc quyết liệt đến mức phong tỏa cả thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, nơi cách tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc tới 800km.
Các biện pháp giám sát, phong tỏa phòng chống dịch ngày càng siết chặt hơn. Ngày 12/3, chính quyền Bắc Kinh thông báo sẽ thực thi việc cách ly 14 ngày đối với tất cả du khách từ nước ngoài đến thành phố. Đối với những người đến thủ đô Trung Quốc vì lý do công việc, họ sẽ được yêu cầu ở tại một số khách sạn chỉ định và tiến hành xét nghiệm Covid-19, không được rời đi cho đến khi có kết quả.
Phóng viên Gerry Shih của tờ Washington Post ghi nhận, tại trung tâm Bắc Kinh, trạm kiểm soát được dựng lên ở mỗi ngã tư, đo thân nhiệt của từng người ra vào thành phố. Các khu dân cư đều "cửa đóng, then cài" sau 22h tối. Là người nước ngoài ở thủ đô Trung Quốc, ông Shih được yêu cầu cung cấp số điện thoại cho các nhân viên chính phủ ở mỗi ga tàu, báo cáo sự hiện diện bằng ứng dụng điện thoại khi đi vào các tòa nhà văn phòng hay đọc số hộ chiếu khi ăn tại vài nhà hàng hiếm hoi còn mở cửa.
Theo báo South China Morning Post, đó là động thái chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Ngay cả ở giai đoạn đỉnh điểm của dịch hô hấp cấp tính nặng (SARS) 17 năm trước, các biện pháp phong tỏa diện rộng, gắt gao như trên cũng không được áp dụng cho nhiều người cùng lúc đến như vậy.
Xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Xét nghiệm, cách ly nhanh chóng
Từ ngày 16 - 20/2, một phái đoàn gồm 25 chuyên gia đến từ nhiều nước, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu đã tới Trung Quốc để tìm hiểu thực tế tình hình dịch Covid-19. Phát biểu trước báo giới sau chuyến đi, Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao cho Tổng giám đốc WHO và cũng là trưởng đoàn chuyên gia quốc tế đánh giá cao một số biện pháp Bắc Kinh cho triển hai để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ông Aylward nhận thấy, bất kỳ người nào ở Trung Quốc bị nghi mắc Covid-19 với biểu hiện sốt thường sẽ được đưa đến các phòng khám cộng đồng. Bắc Kinh đã cho xây dựng các cơ sở y tế dạng này ở nhiều nơi từ năm 2002 để đối phó với dịch SARS. Bệnh nhân sẽ được đo thân nhiệt, trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng, tiền sử bệnh tật, lịch trình đi lại cũng như việc liệu họ có tiếp xúc với bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào hay không.
Nếu cần thiết, bệnh nhân có thể được cho chụp cắt lớp vi tính (CT), một cách để tiến hành soi kiểm Covid-19 bước đầu tiên. Nếu vẫn có dấu hiệu nghi nhiễm, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm virus corona chủng mới. Trong trường hợp nhận kết quả dương tính, họ sẽ nhanh chóng được chuyển tới một bệnh viện chỉ định hoặc trung tâm cách ly. Tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với họ cũng được yêu cầu cách ly theo dõi lập tức với phương châm "thà cách ly nhầm còn hơn bỏ sót".
Bác sĩ đang xem phim chụp của bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán. Ảnh: Reuters
Tiến sĩ Aylward lưu ý, điểm mấu chốt các nước có thể học hỏi từ Trung Quốc là tốc độ, từ nhận diện ca nhiễm, cách ly bệnh nhân và phát hiện các tiếp xúc gần để có cách ứng phó thích hợp. Ông lấy ví dụ, ở tâm dịch Vũ Hán, thời gian trung bình từ lúc một người nhiễm Covid-19 xuất hiện triệu chứng đến khi họ được nhập viện điều trị đã giảm từ 15 ngày lúc ban đầu xuống còn 2 ngày, vào thời điểm ông có mặt tại đây. Bắc Kinh cũng nêu rõ rằng, việc xét nghiệm Covid-19 là miễn phí và mọi chi phí liên quan đến điều trị bệnh cho người dân theo bảo hiểm sẽ do chính phủ chi trả.
Trong khi đó, ở Mỹ, việc xét nghiệm kiểm dịch Covid-19 với số đông còn rất hạn chế và chậm trễ, một phần vì chưa có nhiều cơ sở đủ năng lực được huy động tham gia; nhà chức trách y tế chưa có biện pháp khuyến khích và người dân cũng phải tự chi trả cho việc đó với phí khá cao.
Nước Anh từng không xét nghiệm kiểm dịch với những người có triệu chứng bệnh nhẹ mà chỉ tập trung vào các bệnh nhân bị viêm đường hô hấp nặng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều ca mắc Covid-19 không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tăng cao nguy cơ họ trở thành những "nguồn siêu lây nhiễm" bệnh trong cộng đồng. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở Italia, nước đã vượt Trung Quốc và hiện đứng đầu thế giới về số ca tử vong vì Covid-19 (hơn 6.000 ca tính tới hết ngày 23/3).
Cả đất nước dồn mọi nguồn lực ứng phó với dịch bệnh
Từ cuối tháng Một, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Vũ Hán, để đáp ứng nhu cầu về cơ sở khám chữa bệnh cho người dân nhiễm virus tại tâm dịch, Chính phủ Trung Quốc đã gấp rút cho xây dựng 2 bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn với 1.600 giường bệnh và Hỏa Thần Sơn với 1.000 giường bệnh theo kiểu lắp ghép, dựa trên kinh nghiệm từ đợt chống dịch SARS năm 2003. Cả hai bệnh viện được hoàn thiện thần tốc và bắt đầu đi vào hoạt động chỉ sau 12 ngày xây dựng.
Các công nhân viên làm việc ngày đêm tại công trường xây dựng bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn tại Vũ Hán. Ảnh: AP
Nhà chức trách cũng cho chuyển đổi hơn một chục công trình công ích tại Vũ Hán, như trung tâm triển lãm, nhà văn hóa, phòng thể dục... thành bệnh viện tạm để điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và cách ly các nguồn lây nhiễm, trong bối cảnh các bệnh viện chính quy đã bị quá tải và phải tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng.
Chính quyền địa phương thống kê, cho đến lúc đóng cửa toàn bộ vào ngày 10/3 khi tình hình dịch ở Vũ Hán đã ổn định với số ca nhiễm mới Covid-10 cực thấp, 16 bệnh viện dã chiến như trên đã tiếp nhận điều trị cho hơn 12.000 bệnh nhân. Hơn 8.000 nhân viên y tế thuộc 94 nhóm chi viện cho thành phố đến từ khắp đại lục đã làm việc tại những cơ sở này.
Trong một cuộc họp báo ngày 11/3, đại diện Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết đã điều động 346 đội y tế từ nhiều tỉnh thành khác, với tổng cộng 42.600 y, bác sĩ, điều dưỡng, bao gồm cả hàng ngàn nhân viên thuộc Quân y đến hỗ trợ Hồ Bắc phòng chống Covid-19. Đến nay, toàn bộ lực lượng chi viện này đã rời Hồ Bắc như những vị anh hùng sau khi chính quyền tuyên bố đã không chế được dịch.
Các tình nguyện viên đeo khẩu trang đứng cạnh số rau củ được chuyển tới phân phát cho một khu dân cư bị cách ly ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters
Tiến sĩ Aylward cũng đánh giá cao tinh thần đoàn kết của người dân trên khắp đất nước Trung Quốc lúc dịch hoành hành. Khi Vũ Hán bắt đầu bị phong tỏa để chống dịch, không chỉ thể hiện sự ủng hộ tinh thần qua những thông điệp động viên, chia sẻ, người dân ở các địa phương khác đã quyên góp tiền, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và nhu yếu phẩm cho thành phố.
Khi dịch lây lan rộng khắp, nhiều người lao động ở Trung Quốc đã tình nguyện đảm nhiệm thêm các vai trò mới phục vụ cuộc chiến chống virus. Chẳng hạn như, một nhân viên soát vé đường cao tốc sẽ làm thêm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho bất kỳ ai đi qua trạm kiểm soát; bảo vệ kiêm luôn cả công việc vận chuyển, phân phát thực phẩm cho dân khu cách ly; nhân viên lễ tân của một khách sạn trở thành tình nguyện viên hướng dẫn mọi người đeo khẩu trang và kê khai thông tin y tế.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch từ trên xuống dưới
Để giúp các biện pháp phòng chống dịch phát huy hiệu quả, nhà chức trách Trung Quốc đã sử dụng phương thức “cây gậy và củ cà rốt”. Tại thị trấn Hiếu Cảm ở tỉnh Hồ Bắc, các hoạt động giải trí đông người, phổ biến như đánh mạt chược đều bị cấm với mức phạt nặng có thể lên đến 10 ngày tù giam. Còn tại Hoàng Cương, một thị trấn giáp Vũ Hán, cư dân được yêu cầu khai báo việc họ có triệu chứng bệnh do virus corona hay không. Nếu khai báo trung thực, họ sẽ được thưởng 500 Nhân dân tệ (gần 1,7 triệu đồng) và sẽ được điều trị ngay lập tức.
Các nhân viên y tế đang phun khử trùng cho người phải đi cách ly vì Covid-19. Ảnh: AP
Ngày 6/2, Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp Trung Quốc cùng ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng luật để xử phạt hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo hướng dẫn, người nào đã nhiễm hoặc bị nghi nhiễm Covid-19 mà từ chối cách ly hay ra khỏi nơi cách ly và đi đến nơi công cộng sẽ bị xử phạt về tội Gây nguy hiểm tới an toàn công cộng theo Luật Hình sự. Án phạt tối đa cho tội danh này là 10 năm tù.
Bên cạnh đó, người nào không tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19 tại Trung Quốc, ví dụ nói dối về lịch sử đi lại, không chấp hành quy định phong tỏa của chính quyền địa phương, ... khiến bệnh phát tán hoặc có nguy cơ phát tán cao sẽ bị xử lý về tội Ngăn cản công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm theo Luật Hình sự. Mức phạt cao nhất của tội này là 7 năm tù. Nếu chủ thể là tổ chức, hình phạt là phạt tiền. Tuy nhiên, người trực tiếp quản lý cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân tương ứng.
Các trường hợp vi phạm sẽ bị chính quyền ghi vào danh sách đen, trừ điểm công dân, khiến họ gặp khó khăn hơn khi vay vốn, xin cho con học trường điểm, ...
Trong khi đó, ở thành phố Đường Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc, người đầu tiên cung cấp đúng thông tin các trường hợp vi phạm sẽ được thưởng 3.000 Nhân dân tệ (gần 10 triệu đồng). Tại tỉnh biên giới Quảng Tây, tiền thưởng cho những người tố cáo vi phạm thậm chí còn cao hơn, từ 3.000 - 10.000 Nhân dân tệ (khoảng 10 - 33 triệu đồng).
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng xử nghiêm những nhà quản lý để lọt người vi phạm hoặc tỏ ra yếu kém trong công tác phòng chống Covid-19 tại địa bàn của họ. Theo Tân Hoa xã, hơn 400 quan chức địa phương đã bị cách chức hoặc xử phạt như vậy.
Hồi giữa tháng Hai, khi các dữ liệu phản ánh tình hình dịch được công bố và nhiều người dân bày tỏ sự giận dữ đối với công tác phòng chống dịch kém hiệu quả của giới chức địa phương, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định cách chức cả Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương và Bí thư thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường. Động thái cho thấy chính quyền Trung ương quyết tâm chấn chỉnh tình hình. Hai quan chức mới được điều về thay thế đã ngay lập tức cho triển khai các biện pháp phòng chống dịch gắt gao và tỏ ra hiệu quả hơn.
Nhân viên an ninh kiểm tra thân nhiệt khách hàng tại cửa vào một ngân hàng ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc hôm 24/2. Ảnh: EPA
Dù cuộc chiến chống Covid-19 đang có xu hướng ngày càng tốt lên, ở nhiều nơi khắp đại lục, chính quyền vẫn tiếp tục siết chặt các quy định về kiểm soát dịch bệnh. Các chốt kiểm dịch tại khu dân cư do các tình nguyện viên đảm nhận vẫn hoạt động quy củ. Người dân chấp hành nghiêm các quy định về khai báo kiểm dịch cũng như tuân thủ các hướng dẫn chính thức của cơ quan y tế về vệ sinh, bảo vệ sức khỏe để phòng ngừa lây nhiễm mầm bệnh nguy hiểm.
Một số cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ lẻ vẫn tiếp tục đóng cửa. Một số tỉnh, thành vẫn chưa cho học sinh, sinh viên trở lại lớp mà vẫn duy trì hình thức học trực tuyến vì còn e ngại nguy cơ lây lan virus.
Hôm 10/3, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đã tới Vũ Hán sau gần 2 tháng phong tỏa thành phố để ngăn chặn dịch. Chuyến đi "thị sát công tác phòng chống Covid-19" này của ông Tập được tin là nhằm truyền tải thông điệp mạnh mẽ tới người dân, rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã qua và họ có thể bắt đầu quay trở lại làm việc để vực dậy nền kinh tế đất nước đã bị tổn hại vì sự tấn công của virus.
Theo Tuấn Anh/VietNamNet
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/trung-quoc-da-lam-gi-de-tranh-vo-tran-vi-covid-19-627596.html