Chuyên gia Trung Quốc cho biết châu Âu phải từ bỏ suy nghĩ dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm và nên chuẩn bị cho “cuộc chiến” có thể kéo dài tới 2 năm.
Cảnh báo từ Zhang Wenhong - người đứng đầu đội ngũ chuyên gia y tế về Covid-19 của Thượng Hải, Trung Quốc được đưa ra khi các nước châu Âu, bao gồm Italy, Tây Ban Nha và Đức đang chứng kiến số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong tăng mạnh, trong khi Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn các ca nhiễm "ngoại nhập" sau khi chỉ có 1 ca nhiễm mới trong nước trong 4 ngày qua.
Châu Âu nên chuẩn bị cho cuộc chiến “dài hơi” chống Covid-19. Ảnh: EPA
"Một điều hoàn toàn bình thường là virus này sẽ đến và đi, cũng như kéo dài trong khoảng 1- 2 năm", ông Zhang cho biết trong một cuộc họp trực tuyến do Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Düsseldorf của Đức tổ chức.
"Hiện giờ, tôi có thể nói với các bạn rằng, hãy quên suy nghĩ đại dịch sẽ chấm dứt tại châu Âu trong tương lai gần đi", ông Zhang cho biết.
Chuyên gia Zhang - người cũng là giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Huashan của Đại học Fudan tại Thượng Hải, trước đó đã dự đoán rằng dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào tháng 4 - tháng 6 trước khi giảm bớt vào mùa hè, sau đó có thể quay lại vào mùa thu hoặc mùa đông và đạt đỉnh trở lại vào mùa xuân nhưng có lẽ với quy mô sẽ nhỏ hơn.
Tuy nhiên, Covid-19 hiện đã trở thành một đại dịch nên không thể tránh khỏi việc dịch bệnh này sẽ kéo dài, chính xác là cho tới khi nó được kiểm soát, có thể vào mùa hè này hoặc mùa hè sau. Điều đó phụ thuộc vào nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn dịch bệnh, ông Zhang đánh giá.
"Để giải quyết dịch bệnh này trong thời gian ngắn, các biện pháp phải vô cùng quyết liệt", ông Zhang nhận định, đồng thời cho biết Trung Quốc có thể áp đặt lệnh phong tỏa toàn thành phố là nhờ một thực tế rằng thời kỳ đầu dịch bệnh bùng phát trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, khi mà các trường học và doanh nghiệp cũng đều đóng cửa.
"Nếu toàn thế giới có thể ngừng di chuyển trong khoảng 4 tuần, dịch bệnh sẽ được ngăn chặn. Nhưng tôi không thể tưởng tượng được việc toàn thế giới tạm dừng hoạt động như vậy sẽ xảy ra. Điều này thậm chí không thể xảy ra chỉ ở riêng nước Đức hoặc châu Âu".
Tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở châu Âu, chẳng hạn như phía bắc Italy, các biện pháp mạnh mẽ như phong tỏa, đóng cửa trường học và hạn chế đi lại hoặc tụ tập đông người được áp dụng cùng lúc.
Tuy nhiên, nếu không thực hiện đồng bộ trên toàn thế giới, những quốc gia đang áp dụng các biện pháp kiểm soát vẫn đối diện trước các nguy cơ nhiễm từ bên ngoài, chẳng hạn như tại Trung Quốc.
Khi dịch bệnh lan rộng và số người tử vong tăng cao, các chính phủ đã thay đổi chiến lược của họ và thực hiện các biện pháp cách ly ở mức độ cao.
"Tôi nhận thấy một xu hướng tích cực là các chính phủ đang ngày càng chủ động hơn. Nếu chiến lược của các quốc gia đủ mạnh mẽ, việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh chỉ là vấn đề thời gian", chuyên gia Zhang khẳng định./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Nguồn SCMP
https://vov.vn/the-gioi/chuyen-gia-trung-quoc-dich-covid19-o-chau-au-co-the-keo-dai-2-nam-1025737.vov