Dành một đêm với nữ thần mặt trời là một trong những nghi lễ mà Nhật Hoàng Naruhito sẽ thực hiện nhằm hoàn tất thủ tục quan trọng cho việc đăng quang. Đây từng là nghi lễ gây ra nhiều đồn đoán, nhưng trên thực tế nó là một bữa ăn giữa nhân vật hoàng gia và vị thần được người Nhật Bản tôn kính.
Nhật Hoàng Naruhito (Ảnh: EPA-EPE)
Nhật Hoàng Naruhito tối ngày 14/11 sẽ đi vào một căn phòng gỗ tối để thực hiện nghi lễ quan trọng cuối cùng cho việc đăng quang: Dành một đêm với một nữ thần.
“Daijosai” là nghi lễ xoay quanh Amaterasu Omikami - nữ thần mặt trời, nhân vật mà những người có quan điểm bảo thủ tin rằng đã sinh ra hoàng tộc Nhật Bản. Đây là một trong nghi lễ truyền thống ông Naruhito thực hiện để kế vị ngôi báu sau khi cha ông, Thái Thượng Hoàng Akihito thoái vị hồi đầu năm nay.
Đã có nhiều đồn đoán và phản ứng trái chiều về nghi lễ này. Các ý kiến chỉ trích cho rằng nghi thức có thể khơi gợi lại thời kỳ quân phiệt trong quá khứ và vi phạm hiến pháp về việc tách bạch giữa chính phủ và hoàng gia vì nhà nước Nhật Bản phải chi cho nghi lễ này 24,8 triệu USD.
Nhật Hoàng Naruhito trong lễ đăng quang ngày 22/10 (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, các học giả và chính phủ Nhật Bản nói rằng Nhật Hoàng sẽ không “qua đêm” với nữ thần mặt trời như một số lời đồn trong nhiều năm qua. Nghi lễ này chủ yếu bao gồm một bữa ăn với các món từ trên khắp đất nước Nhật Bản nhằm củng cố vị trí hoàng gia của nhà vua mới đăng quang.
Giáo sư John Breen từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Nhật Bản học ở Kyoto nói rằng hầu hết các nghi thức đăng quang đều có những yếu tố thần thoại, bí ẩn và buổi lễ này cũng không phải ngoại lệ.
Vào khoảng 19h, giờ địa phương, Nhật Hoàng trong áo choàng trắng sẽ bước vào một khu đền rồi biến mất sau lớp màn trắng. Mặc dù Hoàng hậu cũng sẽ xuất hiện nhưng bà sẽ không theo ông vào trong ngôi đền.
Trong căn phòng với ánh sáng mờ ảo, Nhật Hoàng sẽ đưa 32 món ăn bày trong đĩa làm từ lá sồi cho nữ thần mặt trời, trước khi cúi đầu và cầu nguyện cho Nhật Bản hòa bình.
Nhà vua và nữ thần mặt trời sau đó - một cách tượng trưng - sẽ cùng ăn cơm, kê, uống rượu gạo trước khi nghi lễ kéo dài gần 2,5 giờ đồng hồ kết thúc. Nhà vua sẽ tiếp tục thực hiện nghi lễ tương tự ở một căn phòng khác. Mọi thủ tục sẽ kết thúc vào 3 giờ sáng ngày hôm sau.
Nhật Hoàng trong nghi lễ ngày 22/10 (Ảnh: AFP)
Những ý kiến phản đối nói rằng “Daijosai” đã tồn tại từ hơn 1.000 năm trước, tuy nhiên, nghi lễ hiện tại hình thành từ cuối những năm 1800, thời điểm Nhật Bản thống nhất quốc gia xung quanh Thiên Hoàng.
Ông Koichi Shin, 60 tuổi, nói rằng nền tảng dân tộc của nghi lễ là một trong những lý do mà ông cùng những người khác phản đối. Ngoài ra, vấn đề sử dụng ngân sách công cho nghi lễ cũng nhận được phản ứng trái chiều, ngay từ chính người em trai của Nhật Hoàng, Thái tử Akishino. Ông Akishino cho rằng nghi lễ này nên dùng ngân sách riêng của gia đình hoàng gia và thực hiện với quy mô nhỏ hơn.
Theo Đức Hoàng/Dân trí