Hàng nghìn người chen kín các con phố ở Bolivia, vẫy cờ và reo hò sau khi Tổng thống Evo Morales tuyên bố từ chức.
"Đây là lá cờ duy nhất của tôi", một thanh niên đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm trắng hét lên khi vẫy lá cờ màu đỏ, vàng và xanh lá cây của Bolivia trên đường phố thủ đô La Paz. Gần đó, một nhóm người đang hạ "whipala", lá cờ carô nhiều màu đại diện cho các nền văn hóa bản địa.
Với ông Morales, lãnh đạo bản địa đầu tiên được bầu ra một cách dân chủ ở Bolivia, lá cờ này là biểu tượng cho quãng thời gian nắm quyền dài và gây tranh cãi của ông, gần 14 năm.
"Tuyệt vời, chúng tôi rất vui mừng", Reggina Sojas, một thương nhân 61 tuổi, nói.
Người dân ăn mừng Tổng thống Morales từ chức trên đường phố La Paz hôm 10/11. Ảnh: Reuters
Tổng thống Morales hôm 10/11 thông báo từ chức trong một bài phát biểu trên truyền hình, sau khi quân đội và cảnh sát tuyên bố rút lại sự ủng hộ đối với ông và đứng về phe đối lập. Morales nói ông từ chức "vì lợi ích của đất nước" nhưng thêm rằng "những thế lực hắc ám đã phá hủy nền dân chủ quốc gia", đề cập tới các đối thủ mà ông cáo buộc đang âm mưu đảo chính.
Cảnh sát đã hạ lá cờ "whipala" khỏi các tòa nhà lớn của chính quyền, trong đó có quốc hội, Tòa án Bầu cử và Bộ Tư lệnh Cảnh sát. Trước đó không lâu, Luis Fernando Camacho, lãnh đạo dân sự cánh hữu, người đứng đầu cuộc nổi dậy sau khi ông Morales tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư hồi tháng 10, đã giữ lời hứa bước vào cung điện của chính phủ cũ với một lá thư từ chức biểu tượng của Morales trên một tay và tay kia cầm một quyển Kinh thánh.
"Đây hoàn toàn là thắng lợi đối với chúng tôi. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc", Ricardo Revilla, 37 tuổi, một nhân viên ngân hàng, nói.
Ở góc quảng trường Murillo gần đó, cảnh sát chống bạo động ăn mừng cùng người dân, dù cách đây vài ngày còn trấn áp các cuộc biểu tình của sinh viên.
Ở đầu bên kia đất nước, tại thành phố Santa Cruz, phía đông Bolivia, nhiều người cũng đổ ra đường ăn mừng, trong khi các cảnh sát quỳ gối trước cửa Thánh đường.
Tại thành phố Sucre, một nhóm người tụ tập trên quảng trường trung tâm Plaza de Armas, nơi nước cộng hòa Bolivia được thành lập vào năm 1825, và cùng hát quốc ca. "Chúng ta thà chết còn hơn sống như nô lệ", bài hát có câu.
Tổng thống Bolivia Morales thông báo từ chức trên truyền hình hôm 10/11. Ảnh: Reuters
Morales là lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở châu Mỹ - Latin. Ông chiến thắng cuộc bầu cử đầu tiên bằng chiến dịch tranh cử hứa hẹn về một chính phủ tập trung vào nhu cầu của người nghèo. Tuy nhiên, ông cũng bị cáo buộc lợi dụng hệ thống để thâu tóm quyền lực.
Morales từ chức sau cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần qua để phản đối việc ông tái đắc cử, dù đã hứa sẽ tổ chức bỏ phiếu lại để thay thế cho kết quả bị tố cáo là gian lận. Đụng độ giữa phe phản đối và ủng hộ chính phủ đã khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
"Đảo chính đã diễn ra", phó tổng thống Alvaro Garcia Linera, người đồng hành củng Morales trong bài phát biểu từ chức, nói. Hiện chưa rõ ai sẽ là người đảm nhận chức tổng thống thay Morales bởi tất cả những quan chức có khả năng kế nhiệm ông đều đã từ chức, trong đó có ông Linera.
Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết sứ quán nước này sẵn sàng cấp quyền tị nạn cho Morales nếu ông yêu cầu. Tuy nhiên, Morales khẳng định ông không có kế hoạch rời đất nước.
Bolivia, nằm kín trong lục địa ở trung tâm Nam Mỹ, lớn thứ 28 thế giới với diện tích hơn một triệu km, là một trong những nước nghèo nhất Nam Mỹ vì tình trạng tham nhũng cao và hậu quả từ thời thực dân hóa. Dưới thời Morales, kinh tế đất nước hơn 10 triệu dân này tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm. Năm 2006, Morales quốc hữu hóa ngành dầu mỏ, dùng tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm đói nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm trong những năm gần đây do cáo buộc Morales ưu đãi CAMC, một tập đoàn xây dựng Trung Quốc ở Bolivia do bạn gái cũ của ông nắm vị trí quan trọng. Moarales bác bỏ các cáo buộc.
Theo Anh Ngọc/VnExpress