Người dân tại một thị trấn tồi tàn ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan, lâu nay vẫn truyền tai nhau câu chuyện về "ngôi nhà ma ám dưới bóng cây si".
Không khó để tìm thấy ngôi nhà ma ám mà người dân nói tới bởi nó nằm ngay bên cạnh một dòng suối nhỏ đen đặc do nước thải và sát con đường bê tông lớn. Ngôi nhà gỗ đã xuống cấp vì thời tiết thấp thoáng sau hàng rào nhôm, toát lên vẻ bí hiểm.
Được làm từ các tấm ván, ngôi nhà hai tầng khiêm tốn hình chữ nhật có các cặp cửa sổ ngang, dẹt ở mặt trước và mặt sau của tầng trên. Chúng giống như đôi mắt ác quỷ đang nheo lại hăm dọa.
Ngôi miếu thờ nhỏ bên ngoài ngôi nhà được cho là bị ma ám ở Thonburi, Thái Lan. Ảnh: SCMP.
Ngôi nhà bị phủ bóng bởi hai cây si lớn với những chùm rễ phụ đan chằng chịt vào nhau như tấm màn dày rủ xuống từ trên không, khiến cảnh vật càng thêm phần ảm đạm. Những cây si được cho là nơi sinh sống của các linh hồn vất vưởng. Sát cạnh một gốc cây là ngôi miếu thờ nhỏ chạm khắc bằng tay, xếp nhiều vàng mã.
"Nó hoang vắng và trông thật đáng sợ", Suwanna Sukwiboon, 75 tuổi, sống gần ngôi nhà ma ám cùng chồng, ông Tanapon, một nhân viên kinh doanh ôtô đã nghỉ hưu, nói. "Tôi sợ ma lắm. Chỉ cần nhìn thấy cái bóng thôi là tôi đã vắt chân lên cổ chạy".
Cặp vợ chồng già đã gia cố ngôi nhà của mình chống lại các thế lực ma quái bằng bộ sưu tập các đồ vật mang tính tôn giáo. Hình ảnh các nhà sư Phật giáo đáng kính treo trên tường nhà họ. Trên kệ treo tường bày hàng loạt tượng sứ các vị thần Trung Quốc và hình nộm của những vị thần Hindu.
"Khi trời tối, trẻ con sẽ không đến gần ngôi nhà", Suwanna cho hay. "Tôi cũng vậy".
Bà Suwanna Sukwiboon, người sống gần "ngôi nhà ma ám" ở Thonburi. Ảnh: SCMP.
Tương truyền rằng ngôi nhà hoang bị kuman thong ám. Đây là những linh hồn trẻ em từ bào thai bị phá hoặc chết non được các pháp sư gọi lên. Hoặc nó có thể là nơi ở của phi am, một nữ quỷ làm tê liệt con người trong giấc ngủ bằng cách ngồi xổm lên họ.
"Đêm nọ, tôi thức dậy và thấy bóng người ghìm tôi xuống", Robiyan Mongpra, chủ cửa hàng quần áo, nhớ lại. "Tôi cố đẩy nó ra nhưng tôi không thể chuyển động. Tôi kêu lên và rồi nó bỏ đi".
Chứng tê liệt khi ngủ, liên quan đến việc không thể di chuyển hoặc nói trong lúc ngủ, là một hiện tượng tự nhiên đã được chứng minh. Tuy nhiên, đối với người dân Thái Lan, nơi nỗi sợ về những linh hồn độc ác đã ăn sâu, nó được cho là có nguyên nhân siêu nhiên.
Ngôi nhà ma quái thậm chí còn ảnh hưởng tới giá cho thuê nhà tại khu phố cổ Thonburi ở ngoại ô Bangkok này.
"Tôi đã tìm được một chỗ giá rẻ bởi có nhà ma ám trên đường phố", giáo viên Rattapoom Kotchapong nói. Những tòa nhà không có người ở hoặc nhà có người chết theo những cách khác thường luôn trở thành đối tượng gây sợ hãi ở Thái Lan.
"Ý niệm về ma mãnh luôn len lỏi vào những ngôi nhà xuống cấp hay bị bỏ hoang", Andrew Alan Johnson, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Cornell, Mỹ, người nghiên cứu quan niệm của người Thái về ma và nhà ma ám, cho biết. "Phần nào lý do bắt nguồn từ tâm lý lo ngại của mọi người trước những nơi như vậy. Thế giới siêu nhiên có vai trò đặc biệt ở Thái Lan bởi nó cho phép người ta suy tưởng về một thế giới khác từ mọi sự vật hàng ngày".
Nhưng không phải ai cũng tin ngôi nhà cũ dưới bóng cây si bị ma ám. Namon Kimawong, người phụ nữ trung niên chuyên bán đồ ăn cho khách qua đường, đã sống cạnh ngôi nhà suốt hàng thập kỷ qua. Theo bà, nó thuộc về một ông lão không có vợ con nhưng ông đã phải rời đi sau khi lâm bệnh nặng.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ma ở đó", bà quả quyết. "Bạn có thể ở đây qua đêm và tự mình quan sát".
Hồn ma bóng quế đang trở nên ngày càng ít phổ biến hơn ở Thonburi so với trước đây, một số người dân địa phương cho hay. Khu dân cư được bao quanh bởi những con kênh đào tuyệt đẹp, xuồng máy nối đuôi nhau. Một số phần của khu vực vẫn mang đến cảm giác dân dã, thôn quê với bóng dừa và cau râm mát. Tuy nhiên, nhiều nơi ngày nay đã mọc lên hàng loạt tòa nhà bê tông đồ sộ.
Vài năm trước, một trong hai tuyến đường sắt nhẹ trên cao của Bangkok mở rộng vào khu vực này, khiến cho việc đi lại vào thành phố nhanh hơn và thuận tiện hơn. Dân cư bắt đầu tăng lên.
"Trong quá khứ, có rất nhiều ma ở đây nhưng lại ít người", Tanapon Sukwiboon, 75 tuổi, người đã dành cả đời sống tại Thonburi, nói. "Bây giờ thì có quá nhiều người nên ma cũng ít lại. Ma không thích nơi nào đông đúc".
Tại những khu rừng lân cận vào ban đêm, từng có người nói họ nhìn thấy pret, một bộ xương khổng lồ, khẳng khiu, với chiếc lưỡi dài. Cây cối sau đó bị chặt đi và không ai còn nhìn thấy bóng ma pret nữa.
"Đường sắt trên cao đến, ma bỏ đi", tài xế taxi Napporn Ruangjaroonwattana nói.
Mongkhon Tekket, người làm dịch vụ tang lễ tại nhà hỏa táng của một ngôi đền trăm tuổi ở địa phương, cho biết ông đã tiếp xúc với rất nhiều xác chết nhưng chưa bao giờ thấy ma. "Người chết nằm yên bình và chưa bao giờ nói một lời. Không ai trong số họ quay lại ám tôi", ông kể. Mongkhon tin vào ma nhưng ông cho rằng chỉ những người có giác quan thứ sáu mới có thể nhìn thấy chúng.
Anong Sukjam khẳng định bà có giác quan thứ sáu giúp nhìn thấy ma. Bà là một thầy bói với mái tóc nhuộm màu nâu cam, tay đeo đầy trang sức.
"Tôi từng nhìn thấy ma nhiều lần. Họ chưa bao giờ làm gì hại đến tôi", Anong vừa nói vừa vuốt ve chú chó cưng. "Tôi nuôi kuman thong trong nhà. Đôi khi, tôi nghe thấy chúng chơi đùa".
Anong xem bói tại miếu Mae Nak trong một khu dân cư cũ khác ở phía đông Bangkok. Ngôi miếu nổi tiếng với sự tích về hồn ma của một phụ nữ trẻ mang thai có chồng ra chiến trường.
Cô gái qua đời trong khi sinh con nhưng chồng lại vắng nhà. Linh hồn cô vẫn chung thủy đợi chồng. Chuyện kể rằng lúc trở về nhà, người chồng gặp lại vợ nhưng sớm nhận ra cô không phải một phụ nữ bằng xương bằng thịt mà chỉ là linh hồn có hình dáng con người. Người chồng liền bỏ chạy trong sợ hãi.
Quẫn trí, Mae Nak bắt đầu hành hạ người dân địa phương cho đến khi một thầy trừ tà tới trấn yểm cô bằng các nghi thức ma thuật.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy linh hồn Mae Nak nhưng chúng tôi biết cô ấy ở đây", Phra Somkiet Chantaseelo, thầy tu sống tại Đền Maha But, nơi đặt miếu thờ Mae Nak, nói.
Ngôi miếu được trang trí bởi những hình nộm búp bê, tranh sơn dầu và vô số bức tượng Mae Nak nhỏ. Cả ngày, người dân đổ xô về miếu, xin cô ban cho may mắn, sức khỏe hoặc tiền tài.
Theo người dân địa phương, giống như Thonburi, nơi đây cũng đang được đô thị hóa nhanh chóng. Quá trình đô thị hóa đã đẩy ma đi. Nhưng theo bà Suphab Chanjaroen, 70 tuổi, bán đồ ăn, nước giải khát và hàng lưu niệm ở lối vào ngôi miếu, Mae Nak không biến mất hoàn toàn.
Suphab đã sống gần miếu Mae Nak từ khi còn nhỏ. Vài năm trước, Suphab kể bà đang ngồi bên ngoài nhà của mình thì một phụ nữ trẻ trong bộ váy lỗi thời tiến tới. "Cô ấy đứng đó, im lặng", bà nhớ lại.
"Cô ấy thật đẹp", Suphab nói thêm. "Tôi ngay lập tức biết đó là Mae Nak. Cô ấy đến để gặp tôi. Cô ấy cười hiền dịu rồi quay đi và biến mất".
Bà Suphab Chanjaroen, người sống gần miếu thờ Mae Nak. Ảnh: SCMP.
Theo Vũ Hoàng/VnExpress
(Nguồn SCMP)