Cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên của Mỹ và 10 nước ASEAN đã diễn ra thành công với sự tham gia tích cực của lực lượng hải quân các nước.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ thông báo cuộc diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN (AUMX) đầu tiên với sự tham gia của hải quân Mỹ và 10 nước thành viên ASEAN đã diễn ra thành công và kết thúc vào ngày 6/9. Trong ảnh: USS Montgomery, một trong những tàu tuần duyên hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, dẫn đầu các tàu Singapore, Myanmar, Philippines, Brunei và Việt Nam tham gia diễn tập AUMX tại vịnh Thái Lan ngày 5/9.
Hạm đội 7 cho biết cuộc diễn tập AUMX nhằm thúc đẩy cam kết chung của Mỹ và các nước Đông Nam Á về hợp tác hàng hải, an ninh và ổn định trong khu vực. Trong ảnh: Tàu HTMS Krabi của Hải quân Thái Lan bám sát một tàu huấn luyện trong cuộc diễn tập AUMX ngày 5/9.
Bộ chỉ huy đặc nhiệm của cuộc diễn tập được đặt trên tàu HTMS Krabi của Hải quân Hoàng gia Thái Lan, gồm các đại diện của từng nước thành viên ASEAN và Mỹ. Mỗi nước ASEAN cũng có một đại diện trong nhóm hỗ trợ trên đất liền tại Singapore. Trong ảnh: Tàu RSS Tenacious của Hải quân Singapore tham gia diễn tập AUMX 2019.
Chuẩn Đô đốc Joey Tynch, chỉ huy Đội tác chiến 73, giám sát hợp tác an ninh của Hải quân Mỹ tại Đông Nam Á, khẳng định AUMX không phải là cuộc diễn tập mang tính biểu tượng, mà góp phần xây dựng lòng tin và năng lực của các nước tham gia. Trong ảnh: Tàu USS Montgomery hiện đại của Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh trong diễn tập.
"Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi hợp tác cùng nhau. Cuộc diễn tập ASEAN-Mỹ là một sự kiện quan trọng và là bước tiến tích cực hướng đến xây dựng một khu vực kết nối mạnh mẽ hơn. Đây là chìa khóa để duy trì ổn định và an ninh hàng hải khu vực", Đô đốc Joey Tynch nhấn mạnh. Trong ảnh: Trực thăng SH-60S Sea Hawk của Hải quân Mỹ bay trên tàu BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines.
Tham gia diễn tập AUMX, các nước thành viên ASEAN và lực lượng quân sự Mỹ đã phối hợp cùng nhau trong mô hình tác chiến phối hợp, diễn tập các tình huống thực tế để củng cố khả năng hiệp đồng tác chiến trong các bài tập tiếp cận, lên tàu, khám xét và bắt giữ, nhận diện hàng hải, chiến thuật phân chia, theo dõi hàng hải. Trong ảnh: Các thủy thủ Hải quân Thái Lan tiếp cận một tàu huấn luyện trong bài tập khám xét và bắt giữ.
Các tàu thương mại do Mỹ thuê được sử dụng làm các mục tiêu tấn công giả định trong cuộc diễn tập AUMX, trong đó tập trung vào việc đối phó với các mối đe dọa trên biển. Lực lượng hải quân của các nước đã phối hợp với nhau để thực hiện các bài tập khám xét và bắt giữ trong các tình huống giả định. Trong ảnh: Thủy thủ Hải quân Mỹ thực hiện khám xét một tàu huấn luyện trong cuộc diễn tập với Hải quân Thái Lan.
"AUMX là bằng chứng tuyệt vời để chứng minh những lợi ích từ việc các bên diễn tập và phối hợp trong những kịch bản thực tế trên biển”, Đại úy Matt Jerbi, chỉ huy Nhóm tàu khu trục 7 và phó chỉ huy Nhóm tác chiến AUMX, cho biết. Trong ảnh: Thủy thủ Mỹ trèo từ xuồng lên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer để thực hiện cuộc diễn tập.
Theo Đại úy Matt Jerbi, cuộc diễn tập AUMX đã “đạt được thành công lớn trong việc củng cố sự hiệu quả của hợp tác đa phương, giúp các nước học hỏi lẫn nhau và xây dựng nền tảng để cùng hợp tác trong tương lai".
8 tàu chiến, 4 máy bay từ 7 nước cùng hơn 1.000 nhân sự đại diện cho 10 nước ASEAN và Mỹ tham gia diễn tập AUMX lần đầu tiên.
“Cuộc diễn tập là nền tảng hữu ích để hải quân các nước ASEAN phối hợp với hải quân Mỹ nhằm củng cố hợp tác thực tế, nâng cao hiểu biết và xây dựng lòng tin”, Đại tá Lim Yu Chuan của Hải quân Singapore, nhận định.
“Bằng cách phối hợp cùng nhau để giải quyết các vụ việc xảy ra trên biển, điều quan trọng là hải quân các nước có thể phối hợp với nhau để bảo vệ các tuyến thương mại hàng hải then chốt và hợp tác vì các tuyến hàng hải an toàn hơn”, Đại tá Lim cho biết.
Các thủy thủ Hải quân Mỹ và Thái Lan diễn tập tình huống bắt đối tượng buôn người trong khuôn khổ diễn tập hàng hải AUMX.
Sáng kiến tổ chức diễn tập AUMX được đề xuất lần đầu tiên tại cuộc họp mở rộng của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2017 và được chính thức xác nhận trong cuộc họp vào năm 2018. Tuy nhiên trước đó, Hải quân Mỹ cũng đã tiến hành các hoạt động diễn tập và thăm cảng tới các nước Đông Nam Á trong hàng chục năm qua.
“Hải quân Philippines sẽ được hưởng lợi từ cuộc diễn tập này vì họ sẽ phối hợp cùng các lực lượng hải quân khác về an ninh và an toàn hàng hải”, Tư lệnh Hải quân Philippines Đô đốc Loumer Bernabe, cho biết. Trong ảnh: Đặc nhiệm SEAL của Hải quân Philippines leo thang lên tàu trong cuộc diễn tập AUMX tại vịnh Thái Lan.
Lực lượng tuần duyên Mỹ và hải quân Brunei thảo luận trong quá trình diễn tập.
Đặc nhiệm tuần duyên Mỹ phối hợp với thủy thủ Hải quân Philippines trong cuộc diễn tập AUMX đầu tiên.
Theo Thành Đạt/Dân trí
Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ